Đôi khi miệng có bạn sẽ mùi thức ăn mà bạn vừa ăn phải. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người ta có thể phát hiện ra bệnh dựa vào vị ở trong miệng. Một số người nhận thấy miệng của mình có vị ngọt, ngay cả khi bạn không ăn món có đường, điều này cho thấy bạn có thể đang đối mặt với một số nguy cơ bệnh lý dưới đây:
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến miệng có vị ngọt. Bệnh tiểu đường đang có xu hướng trẻ hóa, do vậy bất kỳ ai cũng cần cảnh giác với nguy cơ này.
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới cách cơ thể sử dụng insulin nên cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiểm soát lượng đường trong cơ thể và có thể dẫn tới tình trạng đường huyết tăng cao.
Người bị tiểu đường ngoài cảm thấy miệng có vị ngọt thì còn gặp một số triệu chứng khác như: thị lực suy giảm (mắt nhìn mờ), tay chân tê, tiểu nhiều, giảm khả năng nêm nếm mùi vị thức ăn...
Tiểu đường nếu không điều trị và biết cách kiểm soát có thể gây ra rất nhiều biến chứng. Người bị tiểu đường cũng có sức đề kháng kém hơn, hệ miễn dịch dễ bị tấn công bởi virus, vi khuẩn. Do vậy, cần đi khám để biết chính xác bạn đang ở ngưỡng nào của tiểu đường để có biện pháp kiểm soát tốt.
Nhiễm toan xeton là một trong những biến chứng nghiêm trọng của tiểu đường. Biến chứng này là do cơ thể không thể sử dụng đường làm năng lượng mà lại dùng chất béo. Điều này khiến một loại axit có tên ketone tích tụ trong cơ thể. Lượng ketone quá nhiều có thể khiến miệng có vị ngọt.
Chứng nhiễm toan xeton do tiểu đường có thể gây ra các triệu chứng khác như: mệt mỏi, khát nước, lơ mơ, không tinh táo, đau bụng... cần được cấp cứu và can thiệp y tế.
Tinh bột là nguồn năng lượng không thể thiểu, chúng có nhiều trong các loại thực phẩm như cơm, khoai củ, bánh mì... Tinh bột cũng là một trong những nguyên nhân khiến cân nặng tăng nhanh, do vậy xu hướng giảm cân bằng cách cắt giảm tinh bột đang được rất nhiều người áp dụng.
Tuy nhiên, việc giảm lượng tinh bột trong cơ thể không đúng cách có thể gây ra hiện tượng tụt huyết áp và bạn còn có thể cảm thấy miệng của mình có vị ngọt.
Khi không đủ carb, cơ thể sẽ đốt cháy chất béo để lấy năng lượng và khiến ketone tích tụ trong máu. Điều này có thể tạo ra vị ngọt trong miệng. Vậy nên, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chế độ ăn low-carb hoặc chế độ ăn keto để đề phòng trường hợp ketone tích tụ quá cao gây ảnh hưởng sức khỏe.
Người bị nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường thở thường giảm khả năng hoạt động của não trong việc cảm nhận mùi vị. Người bị bệnh nhiễm trùng cũng thường xuyên cảm thấy ớn lạnh, dễ bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm xoang khiến nước bọt chứa nhiều glucose.
Glucose là một loại đường nên có thể gây ra cảm giác ngọt trong miệng. Khi điều trị được những chứng nhiễm trùng này, tình trạng vị ngọt trong miệng có thể được cải thiện đáng kể.
Người có tiền sử mắc bệnh về hệ thần kinh khiến miệng có vị ngọt dai dẳng, nhất là những người từng bị đột quỵ hoặc bị động kinh do rối loạn khứu giác và vị giác.
Một số người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) cũng thấy miệng mình có vị ngọt hoặc vị kim loại. Điều này là do các axit giúp tiêu hóa thức ăn chảy ngược vào thực quản và miệng. Khi mắc chứng này, bạn thường cảm nhận vị ngọt ở phần cuống lưỡi.
Nhiều người trong thai kỳ cho rằng, họ cảm thấy miệng của mình đôi lúc có vị ngọt hoặc vị kim loại. Điều này xuất phát từ việc thay đổi nồng độ hormone khiến ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và chức năng cảm nhận hương vị cũng thay đổi theo.
Bên cạnh đó, tình trạng vị giác thay đổi cũng có thể do một số bệnh như trào ngược dạ dày thực quản hoặc tiểu đường thai kỳ. Phụ nữ mang thai nên cẩn trọng với tiểu đường thai kỳ.
Các loại thuốc đôi lúc khiến người sử dụng cảm thấy miệng có vị ngọt. Ngoài ra, một số loại thuốc làm thay đổi chức năng cảm nhận vị giác như hóa trị, xạ trị... Nếu cảm giác này khó chịu, bạn có thể xin ý kiến của bác sĩ để thay thế các loại thuốc hoặc có phương án giúp giảm vị ngọt trong miệng.
Rất hiếm gặp tình trạng miệng có vị ngọt do ung thư phổi nhưng bạn cũng không nên bỏ qua lý do này. Các khối u trong phổi làm gia tăng mức độ hormone và có thể ảnh hưởng đến vị giác. Điều này cũng lý giải một phần vì sao người mắc bệnh ung thư trước đó bị sụt cân, ăn không ngon...
Nếu hiện tượng miệng có vị ngọt kéo dài và bạn không biết rõ nguyên nhân thì bạn cần đi khám. Bác sĩ sẽ giúp bạn thực hiện kiểm tra thể chất cùng các xét nghiệm chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi bạn về tiền sử bệnh cũng như các loại thuốc bạn đang sử dụng. Để chẩn đoán tin cậy hơn, bạn có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm và kiểm tra chức năng như: nội soi tiêu hóa, chụp CT hoặc MRI để kiểm tra các dấu hiệu khối u và ung thư, quét não, xét nghiệm máu...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn