Miệt mài may vá để giúp người nghèo khó

14:43 | 18/09/2016;
Mỗi ngày, vợ chồng bà Mỹ ở xã Tam Hải - Núi Thành, Quảng Nam, đều cố gắng làm việc nhiều hơn, bớt ăn, bớt tiêu đi một chút để dành tiền giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

“Khu vườn tình thương”

Suốt mấy chục năm qua, bà Phạm Thị Mỹ (SN 1950) ở thôn Bình Trung, xã Tam Hải luôn tất bật với việc giúp người nghèo khó.

Ngôi nhà của bà Mỹ nằm cạnh con đường chính dẫn vào thôn rợp bóng dừa. Xung quanh nhà cây trái sum suê. Vợ chồng bà Mỹ đang dùng cơm trưa. Bữa cơm của ông bà đạm bạc nhưng tràn ngập niềm vui. Con cái đã lớn và ra ở riêng nên ông bà tự chăm nhau.  

Lịch làm việc của vợ chồng bà Mỹ trong một ngày luôn được lấp đầy. Sáng sớm bà dậy lo cơm nước. Rảnh lúc nào là bà ngồi bên chiếc máy khâu để may vá kiếm đồng ra đồng vào. Chiều bà lại cùng chồng tất bật ra mảnh vườn sau nhà chăm sóc cây cối. Vườn hoa hồng, hoa cúc đã nhú mầm chuẩn bị ra hoa để bán. Vườn mía vừa thu hoạch xong. Ông bà không cho đất nghỉ ngơi. Bà Mỹ gọi đó là “khu vườn tình thương” vì rau, hoa, quả… bà mang bán rồi xung quỹ giúp người nghèo. Nguồn quỹ gồm tiền mà ông bà tiết kiệm, làm thêm được cả năm đều dồn vào. Ngoài ra, bà còn đi vận động khắp nơi ủng hộ người nghèo khó ở xã Tam Hải.

2_nv.jpg
 Bà Mỹ miệt mài bên chiếc máy khâu kiếm tiền giúp người nghèo khó

Bao năm làm từ thiện nhưng trong sinh hoạt hàng ngày, ông bà tằn tiện lắm. Bà Mỹ bảo: “Chỉ có chi tiêu hợp lý, tăng cường làm việc mới để dành được tiền làm từ thiện”. Ông Hồ Quốc Thanh (SN 1946, chồng bà Mỹ) từng là giáo viên, giờ đã nghỉ hưu và làm Trưởng thôn Bình Trung. Khoản thù lao làm Trưởng thôn hơn 700 nghìn đồng/tháng của ông Thanh cũng sung vào quỹ từ thiện mà vợ ông đang quản lý.

Căn cứ vào số tiền tích góp được, bà Mỹ lên danh sách những đối tượng cần được giúp đỡ, san sẻ như người già không nơi nương tựa, phụ nữ đơn thân, các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi… Món quà bà Mỹ mang đến giúp họ gồm gạo, tiền mặt, quần áo do chính tay bà may. Bà Hồ Thị Lý (SN 1960) ở thôn Tam Trung bị câm điếc bẩm sinh. Bà Lý không có chồng, sống cùng mẹ già trên 80 tuổi. Hộ này năm nào cũng nhận được gạo của bà Mỹ. Thi thoảng bà Mỹ còn đến nhà thăm nom và động viên bà Lý vượt qua khó khăn. “Nhờ có sự giúp đỡ kịp thời của bà Mỹ mà mẹ con tôi đã vượt qua được những ngày gian khó”, bà Lý tâm sự.  

Sống ở vùng ngã 3 sông Thu Bồn, người dân miền sông nước này luôn chịu nhiều rủi ro. Ở thôn Bình Trung còn nhiều lắm những hoàn cảnh bất hạnh như bà Sâm, chị Lý, chị Hạnh… đều thuộc diện nghèo cùng đinh. Những lúc ốm đau hay trái nắng trở trời, họ không có tiền để mua thuốc hay đi viện. Bà Mỹ lại gom góp số tiền tiết kiệm và vận động thêm sự ủng hộ của mọi người để giúp đỡ họ qua cơn nguy khốn.  

Gia đình chị Hồ Thị Hiệp thuộc diện nghèo khó nhất thôn. Chị từng nhiều năm bôn ba khắp nơi, khi trở về quê lại mang khối u trong màng nhĩ tai. Chị Hiệp bị bệnh mà không có tiền đi chữa trị. Nghe tin, bà Mỹ đã trích quỹ từ thiện của vợ chồng mình và quyên góp được 1,3 triệu đồng giúp chị Hiệp chữa bệnh. Giờ chị đã khỏi bệnh. Mỗi khi nhắc đến bà Mỹ là chị Hiệp cảm động lắm. Chị bảo: “Nhờ có chị Út Nỉ (mọi người nơi đây thường gọi bà Mỹ bằng cái tên thân thương như thế) mà tôi hết bệnh. Những việc làm của chị Út Nỉ, tôi mang ơn cả đời”. 

Vì mình cũng từng thiếu thốn

Cứ mỗi khi thấy bà Mỹ đến nhà là những người có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Bình Trung vui như mở hội. Bà Mỹ đến để chuyện trò, động viên họ. Bao năm làm từ thiện, ai cũng tưởng vợ chồng bà Mỹ phải giàu có lắm. Bà cũng luôn cho rằng mình rất giàu nhưng theo hướng khác, người ta giàu tiền, giàu bạc, nhưng vợ chồng bà giàu tình, giàu nghĩa. Những năm trước, gia đình bà cũng trải qua vô vàn gian khó. Đến giờ bà Mỹ vẫn còn nhớ như in trận lụt năm 1964 đã cuốn trôi tất cả gia sản của cha mẹ bà. Từng rơi vào nghèo khổ nên bà thấm thía lắm và cũng hiểu vật chất chỉ là phù du chẳng thể mang theo mình mãi.

1_nv.jpg
Vợ chồng bà Mỹ ngày ngày làm việc để gây quỹ từ thiện

Bà Mỹ và ông Thanh nên duyên vợ chồng giữa lúc nghèo khó. Ông Thanh là thầy giáo lương ba cọc, ba đồng. Bà Mỹ làm thợ may nên gia cảnh thiếu thốn trăm bề. Ngôi nhà hạnh phúc của họ là túp lều tranh, hễ mưa là dột tứ bề. Bà Mỹ lần lượt sinh 4 người con. “Miệng ăn núi lở”, gia đình khốn khó nhưng bọn trẻ đều được ăn học đến nơi đến chốn.

Bao năm qua, bà Mỹ miệt mài với chiếc máy khâu cũ kĩ. Ngoài việc may quần áo cho chồng, cho con, bà còn nhận hàng về nhà làm. Cứ lúc nào rảnh là bà ngồi vào may. Đêm xuống, bà vẫn chong đèn làm việc. Bà làm cần mẫn như một con ong thợ để dành dụm từng đồng rồi mang giúp người khó hơn mình. Đến khi con cái trưởng thành, tự lo được cho mình, bà vẫn giữ cái nếp sinh hoạt đó, làm việc hết mình để lo cho người khác.

Nói đến những việc làm thiện của vợ, ông Thanh luôn lấy làm tự hào. Ông kể: “Ngày đó, bà ấy thủ thỉ với tôi: “Vợ chồng mình đã nuôi con cái có công ăn việc làm ổn định, rồi thì hai thân già này còn phải để tiêu pha gì nhiều đâu. Hay mình tiết kiệm để lo cho các cháu nhỏ khuyết tật, mồ côi trong thôn”. Thấy vợ có ý tốt, tôi không phản đối, nhưng lo mấy đứa con khó chấp nhận”. Ấy vậy mà con trai, con gái đứng về “phe” vợ ông hết. Mấy người con còn khuyến khích thêm: “Tụi con có con cá, con tôm sẽ mang về phụ giúp”.

Vào những ngày lễ, Tết, Trung thu, 1/6, các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đều nhận được “học bổng” của vợ chồng bà Mỹ. “Các cụ ta thường bảo một ít khi đói bằng một gói khi no. Vợ chồng tôi luôn cố gắng có phần thưởng động viên các cháu vươn lên. Nhìn lên chưa bằng ai, nhưng nhìn xuống còn rất nhiều người khó hơn mình. Vợ chồng tôi có nhà xây để ở, có xe máy, con cái đều có nhà riêng cả. Trong khi đó, ở xã này còn nhiều người khó khăn, thiếu thốn trăm bề… Vợ chồng tôi làm việc thiện bằng chính cái tâm của mình nên trong gia đình luôn vui vẻ hòa thuận. Cái tâm mình vui là mọi bệnh tật cũng tiêu tan”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn