Miss Earth Phương Khánh thành cô giáo dạy thêu len

21:02 | 31/08/2022;
Chuyện nào có ngờ, hoa hậu Phương Khánh giờ đây lại trở thành một cô giáo dùng đôi tay của mình để hướng dẫn mọi người học cách thêu len.

Biết đến Khánh lần đầu tiên là vào ngày cô đăng quang cuộc thi Miss Earth 2018, khi đó, không biết Khánh trong mắt của mọi người thế nào, nhưng với cá nhân tôi, khoảnh khắc Khánh đăng quang khiến tôi có chút ngạc nhiên xen lẫn sự thú vị vì cái vẻ dịu dàng và trầm tĩnh đến lạ lẫm của một cô gái vừa chiến thắng cuộc thi sắc đẹp danh giá. 

Bẵng đi một thời gian, Khánh đi du học, tôi chuyển ngành - vô tình khiến "thế giới của những nàng Hoa hậu" trong tôi trở nên nhạt nhòa hơn bao giờ hết.

Cho đến khoảng gần 2 năm trước, đó là thời điểm cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19. Bất chợt, đoạn video của Khánh xuất hiện trên mục xu hướng từ tài khoản Tiktok của tôi. 

"Wow, Khánh thay đổi nhiều quá, suýt chút nữa tôi đã không nhận ra. 

Khánh ốm hơn thấy rõ, thần thái rạng ngời và... hình tượng lạ nha". 

Miss Earth Phương Khánh thành cô giáo dạy thêu len: "Giờ đây tôi không ngại cầm tay từng người để truyền năng lượng tích cực" - Ảnh 1.

Vâng, là một Hoa hậu, là một người có sức ảnh hưởng trong "bản đồ nhan sắc" của Việt Nam vậy mà Khánh để mặt mộc, mặc bộ Pyjama không thể "bánh bèo" hơn đang vô tư đứng khoe chỗ ngắm pháo hoa mới vừa khám phá trên sân thượng nhà mình. Là Hoa hậu Trái đất nhưng Khánh tự hào về lối sống tiết kiệm của bản thân. Khánh sẵn sàng khoe tất cả mọi người biết bộ quần áo mình mặc suốt gần 10 năm mà vẫn chưa bỏ hay Hoa hậu đến hội chợ ngồi bán giúp bạn vài món đồ trang sức cũ... Chính cái sự hồn nhiên đầy tích cực ấy mà tôi bắt đầu ấn follow, âm thầm dõi theo Khánh như hàng trăm nghìn người còn lại trên kênh Tiktok của Khánh. 

Miss Earth Phương Khánh thành cô giáo dạy thêu len: "Giờ đây tôi không ngại cầm tay từng người để truyền năng lượng tích cực" - Ảnh 2.

Và rồi trong suốt 2 đợt giãn cách đó, Khánh là một trong những người mang đến cho tôi nguồn năng lượng tích cực, giúp tôi thay đổi nhiều thứ về cuộc sống dù chỉ qua màn hình điện thoại.

Nếu nói thật lòng, cô ấy giúp tôi nhận ra, phụ nữ đôi khi chỉ cần những điều hết sức đơn giản bằng cách cởi mở, sống thật với những gì mình có. Và quan trọng là phải biết cách tự tạo niềm vui cho bản thân. 

Hiện tại, ngoài vai trò Hoa hậu, Khánh còn là một "cô giáo" kiêm Founder của Ponkan Studio - nơi chuyên dạy và tổ chức các buổi workshop hướng dẫn mọi người học thêu len nổi. Bộ môn thủ công mà Khánh vừa phát hiện và dành thời gian nghiên cứu trong suốt thời gian giãn cách tại nhà.

Sự thay đổi ngoạn mục trên đã khiến tôi thôi thúc gặp lại Khánh tại văn phòng mà cô đang làm việc.

Miss Earth Phương Khánh thành cô giáo dạy thêu len: "Giờ đây tôi không ngại cầm tay từng người để truyền năng lượng tích cực" - Ảnh 3.

Nơi Hoa hậu Phương Khánh dạy mọi người thêu len nằm tại văn phòng làm việc của cô ở quận 1, TP.HCM.

"DỊCH COVID-19 ĐÃ DẠY CHO KHÁNH QUÁ NHIỀU THỨ"

- Chào Khánh, đã rất lâu rồi mới gặp lại em, hôm nay chị xin phép được gọi em là Phương Khánh với vai trò nhà sáng lập Ponkan Studio thay vì là một nàng Hoa hậu đến từ 1 cuộc thi danh giá. Không biết em có cảm thấy phiền vì điều đó không?

(Cười) Không có gì đâu chị! Mọi người nhớ và gọi thế Khánh càng vui vì đây thật sự là con đường mà em đang cố gắng để theo đuổi. 

Thực ra ngày Khánh đăng quang tính đến nay đã 4 năm rồi, đó là một hành trình và cũng là cột mốc... rất xa. Bản thân Khánh luôn muốn cải thiện, tìm kiếm hướng phát triển mới cho con đường sự nghiệp của mình nên một danh xưng mới cũng là cái gì đó rất thú vị. 

Miss Earth Phương Khánh thành cô giáo dạy thêu len: "Giờ đây tôi không ngại cầm tay từng người để truyền năng lượng tích cực" - Ảnh 4.

- Khánh có thể cho mọi người biết vì sao lại làm "cô giáo" dạy mọi người học cách thêu len? 

Nếu mọi người có theo dõi Khánh từ lâu chắc sẽ biết gia đình Khánh có truyền thống làm nghề Giáo và nghề May. Mẹ và bà là hai người phụ nữ có sức ảnh hưởng rất lớn khi truyền nhiều nguồn năng lượng tích cực đến cho Khánh trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống. Đặc biệt, vào thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, cuộc sống cá nhân của Khánh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều khi phải ở nhà giãn cách. 

May mắn là Khánh không phải chịu sự mất mát hay đau thương như mọi người ngoài kia. Nhưng thời gian ở nhà, giúp Khánh bình tâm, nhận ra cuộc sống này vốn dĩ có vô vàn thứ giúp mình vui vẻ và an yên hơn cả danh vọng và vật chất. Trong lần tình cờ Khánh đọc được tài liệu viết về bộ môn thêu len nổi này tại Nhật. Khánh thấy rất thích, rồi tự mua đồ về tập tành, nghiên cứu. Như có sẵn "máu nghề" được truyền từ mẹ, Khánh học rất nhanh và sớm tạo được các sản phẩm nho nhỏ như đồ lót ly, chuông gió hay thảm lót nhà làm từ bộ môn thêu len nổi này. Thế là Khánh dành cả khoảng thời gian ở nhà tránh dịch để theo đuổi nó.

- Nhưng từ bao giờ Khánh nhận ra đây là thứ mình cần nghiêm túc phát triển thay vì có thể đơn thuần chỉ là giải trí như làm tranh số hóa, tranh cạo hay thêu chữ thập...?

Khánh nghĩ đó là cái duyên.

Trước khi giãn cách, Khánh đi du lịch rất nhiều quốc gia khác nhau và nhận ra bộ môn thêu len nổi này rất phổ biến, mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho nhiều người. Trong khi đó, thời điểm Khánh ở nhà đọc tài liệu thì hầu như ở Việt Nam chẳng có ai làm, mà từ kỹ thuật đan này có thể tạo ra nhiều sản phẩm thủ công đa dạng vừa bền lại vừa đẹp. Từ đó, Khánh nghĩ tại sao mình không phát triển nó? Dĩ nhiên cũng phải bắt đầu từ việc mình thật sự rất thích bộ môn này. 

 KHÔNG NGẠI "CẦM TAY TỪNG NGƯỜI" ĐỂ TRUYỀN NGUỒN NĂNG LƯỢNG TÍCH CỰC

- Âm thầm theo dõi Khánh suốt gần 2 năm qua, chị thật sự nhận ra Khánh rất yêu môn nghệ thuật này. Còn nhớ những ngày đầu, Khánh chia sẻ việc tự tay chuẩn bị từng nguyên vật liệu để tiếp đón các bạn trẻ đến nhà mình học đan. Khánh kể trên clip là làm những thứ này vất vả lắm, vì là đồ thủ công nên từng cái khung thêu, tấm vải, cây kim... Khánh phải tự mua, tự mày mò làm. Thế liệu có vất vả quá không?

(Cười) Khánh thích mà, nên không thấy cực mấy!

Đó cũng là lý do vì sao Khánh mời chị hôm nay đến trực tiếp buổi workshop để trải nghiệm. Để chị cảm nhận được khi mình tự tay đan từng mũi kim, từng bước hoàn thành một sản phẩm cho riêng mình nó vừa là một sự kích thích mà còn rất thư giãn. 

Thêu len nổi khác với đan hay thêu kiểu truyền thống là khi mình lỡ tay đi sai mũi kim là rất khó để chỉnh sửa. Đằng này, chỉ cần thao tác nhỏ, mình có thể chỉnh lại chỗ sai hoặc thích thì làm lại từ đầu mà chẳng tốn công tháo gỡ. Từ đó, Khánh nhận ra, đây không chỉ là một môn học để làm nghề mà nó còn có thể giúp chúng ta thư giãn vì không có sự áp lực. 

Với Khánh, khi nhìn thấy chị và mọi người cùng vui, được thả lỏng đầu óc để làm thứ gì đó xinh xắn cũng là chất xúc tác giúp Khánh vui lây (cười).

Miss Earth Phương Khánh thành cô giáo dạy thêu len: "Giờ đây tôi không ngại cầm tay từng người để truyền năng lượng tích cực" - Ảnh 6.

- Vậy con đường này có mang lại cho Khánh nguồn kinh tế tốt như việc làm Hoa hậu không?

Như Khánh kể ở trên, thứ Khánh học được từ đợt dịch Covid-19 năm đó là làm thứ có thể truyền nguồn năng lượng tích cực tới mọi người. Một buổi workshop, các bạn chỉ cần chi trả số tiền cực kỳ vừa phải là có ngay một phần nước, cùng tất cả các nguyên vật liệu được tự tay Khánh và các bạn trong team chuẩn bị sẵn. Nên nếu hỏi về kinh tế thì dĩ nhiên nó không nhiều (cười).

- Vậy trong suốt thời gian qua, điều Khánh hạnh phúc nhất là gì?

(Suy nghĩ)... Khánh nghĩ nhiều lắm. Được thỏa mãn sở thích của bản thân cũng là một dạng hạnh phúc. Sau đó là những lần Khánh được gặp gỡ, trò chuyện cùng các bạn thông qua bộ môn này. 

Khánh nhớ lần đó có một bạn nữ nhắn tin cho Khánh nói muốn học để tự tay thêu bức chân dung của người bố đã mất. Vì quá xúc động trước tấm lòng bạn dành cho bố, nên Khánh đã quyết định gặp riêng bạn tại nhà để tự tay hướng dẫn. Đó là một trường hợp khiến Khánh hạnh phúc hơn cả những gì cho riêng bản thân mình.

KHÔNG MƯỢN DANH HOA HẬU ĐỂ SỐNG

- Hiện công việc này chiếm khoảng bao nhiêu % thời gian làm việc của Khánh?

Khoảng 60 đến 70%, bao gồm việc nghiên cứu sâu hơn về kỹ thuật, tìm kiếm con đường phát triển xa hơn cho Ponkan Studio và cả quá trình chuẩn bị mọi thứ cho các buổi workshop diễn ra hàng tuần. Tuy đã có một team với các bạn trẻ cùng hỗ trợ nhưng Khánh muốn tự tay mình làm nhiều nhất có thể.

Miss Earth Phương Khánh thành cô giáo dạy thêu len: "Giờ đây tôi không ngại cầm tay từng người để truyền năng lượng tích cực" - Ảnh 7.

- Có không ít Hoa hậu hay người nổi tiếng nói chung cũng làm kinh doanh và các hoạt động ý nghĩa tương tự như Khánh. Nhưng vì quỹ thời gian mỗi người là có hạn, khiến họ chỉ ra mặt trực tiếp thời gian đầu, sau đó có thể dùng tên tuổi để làm hình ảnh, truyền thông mà không cần tự nhúng tay quá nhiều. Tại sao Khánh không làm như thế?

Khánh từng học và làm về Marketing nên hiểu "công thức" đó là như thế nào. Đồng thời, Khánh cũng hiểu ưu điểm lẫn nhược điểm từ phương pháp đó. Hơn nữa, môn Khánh theo là bằng thủ công. Tức, phải tự tay mình làm ra thì mới có thể tạo được giá trị hữu hình lẫn vô hình. 

Sau này, Khánh có ấp ủ phát triển Ponkan Studio nói chung và riêng bộ môn thêu len nổi này trở thành nơi đào tạo tay nghề cho những ai muốn theo đuổi xa hơn, làm ra kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của ngành thủ công tại Việt Nam. Lúc đó câu chuyện có thể sẽ khác. Vì đó là một hướng đi hoàn toàn khác với giá trị về việc truyền cảm hứng hiện tại Khánh đang làm.

GIÁ TRỊ THẬT SẼ MANG ĐẾN HẠNH PHÚC CHO NGƯỜI PHỤ NỮ

- Quay trở lại một chút về sự thay đổi của Khánh trong suốt gần 2 năm qua, có bao giờ Khánh thấy hình ảnh và con đường mình đang xây dựng có sự khác biệt với số đông? Điển hình là khi ngày càng có nhiều phụ nữ mong muốn đạt đến hình tượng của sự thành công với một danh hiệu gì đó. Trái lại, dường như Khánh đang xem cái hào quang mình từng có là lý do để sống khiêm tốn hơn?

Ai chẳng muốn mình thành công? Phụ nữ nào mà chẳng thích đẹp? Bản thân Khánh cũng là một người thích được diện đồ đẹp. 

Tuy nhiên, thời gian Khánh đi học vô tình đọc được một câu: "Cách ăn mặc cũng thể hiện một phần thái độ sống của một người". Từ đó, cứ ra ngoài là lúc nào Khánh cũng chuẩn bị thật chỉn chu từ quần áo, tóc tai,... Nhưng khi trở về nhà, đó là nơi ai trong chúng ta cũng sẽ tự giác trở nên thật nhất. Việc Khánh chia sẻ các hình ảnh đời thường của mình trên mạng xã hội cũng là cách để mọi người hiểu hơn về những gì thật nhất của Khánh. Đồng thời, cũng là cách mà Khánh trân trọng các giá trị thật nhất của bản thân. 

Miss Earth Phương Khánh thành cô giáo dạy thêu len: "Giờ đây tôi không ngại cầm tay từng người để truyền năng lượng tích cực" - Ảnh 8.

- Nhưng trên cơ bản Khánh không phải là một người phụ nữ bình thường như bao người. Có bao giờ Khánh nghĩ việc mình theo đuổi những cái thật quá, một mai vô tình làm mất đi hình tượng mà xưa nay công chúng luôn nhận định là Hoa hậu lúc nào cũng phải hoàn hảo?

Hôm nay Khánh phải thú thật nhiều điều quá (cười). 

Một sự thật nữa là Khánh hoàn toàn không thích hình ảnh của mình lúc đầu (khi mới đăng quang). 

Khi đó, do phải làm hình ảnh nên lúc nào Khánh cũng phải mặc những bộ quần áo "lấp lánh" lên người. Sau này, Khánh nhận ra không phải cứ trang phục cầu kỳ là đẹp. Thay vào đó, có rất nhiều dạng quần áo tuy đơn giản nhưng lại hết sức sang trọng. Nếu lựa chọn phù hợp, diện đúng hoàn cảnh thì nó hoàn toàn tôn lên giá trị của người mặc và thể hiện trọn vẹn sự tôn trọn của bản thân đối với người xung quanh. 

Ngoài ra, cá tính thời trang của Khánh luôn nghiêng về sự đơn giản. Mà đã là cá tính thì không thể nói dối và làm khác đi được. Vì vậy mà suốt thời gian qua, "trộm vía" Khánh chưa nhận bất cứ lời bình luận tiêu cực nào về hình ảnh của bản thân. Khánh nghĩ đó là một dạng "phản hồi" tích cực. 

- Vậy theo Khánh, phụ nữ nên ưu tiên theo đuổi điều gì, đặc biệt trước khi bước vào ngưỡng 30?

Với Khánh không có gì quan trọng bằng kiến thức. Đó là thứ có thể thay đổi tất cả mọi thứ.

Có kiến thức, bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền. Có kiến thức, bạn sẽ biết mình nên trau chuốt, làm đẹp thế nào cho bản thân. Có kiến thức, thì lời nói của mình thốt ra cũng có trọng lượng. Điển hình như khi Khánh phải đi đàm phán một vấn đề gì đó. Rõ ràng đối tác người ta đâu thể nào đồng ý hợp tác với mình chỉ là mình đẹp mà "não không có gì"? 

Kiến thức có thể đến từ rất nhiều cách, từ trải nghiệm, từ những chuyến đi chứ không nhất thiết là phải ôm tập vở đến trường. Nhưng sức người thì luôn có hạn, khi đến một độ tuổi nào đó thì khả năng thu nạp kiến thức sẽ trở nên khó khăn hơn. Nên nếu còn thời gian, còn cơ hội thì chúng ta nên nỗ lực để theo đuổi nó hết mình.

- Cám ơn Khánh đã dành thời gian cho lần chia sẻ này!

Toàn cảnh về một buổi học thêu len nổi do Phương Khánh đứng lớp:

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn