Như PNVN đã thông tin, vượt qua 48 thí sinh, Trần Thị Ban Mai 22 tuổi đến từ TPHCM đã đăng quang Miss Peace Vietnam 2022. Cùng với ngôi vị Hoa hậu, Ban Mai còn giành giải thưởng phụ: Người đẹp nhân ái, Người đẹp ứng xử.
Trần Thị Ban Mai sinh năm 2000 tại TPHCM trong một gia đình có truyền thống làm các công việc liên quan tới pháp luật. Cô là du học sinh chuyên ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng tại Boston, bang Massachusetts, Mỹ. Cô cũng là một thông dịch viên chuyên nghiệp, là trợ lý của Miss Universe 2018 Catriona Gray khi người đẹp này sang Việt Nam. Cũng chính Hoa hậu Hoàn vũ 2018 là người đã khuyên cô nên đi thi nhan sắc.
Trần Thị Ban Mai chia sẻ: "Để có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân, tôi xin được phép dùng 3 con số: 5, 10, 12. Số 5 tượng trưng cho số tuổi mà tôi phát hiện ra bản thân mình đã mắc phải chứng khó đọc và suy dinh dưỡng. Tôi phải mất 3 tháng để có thể học thuộc bảng chữ cái và nhận mặt chữ, cũng như chỉ nặng 35kg khi học hết lớp 5 mặc dù đã cao 1m60.
Số 10 là số tuổi tôi bắt đầu tập chơi thể thao và giành được phần thưởng đầu tiên là huy chương đồng về bộ môn bóng chuyền. Cuối cùng, 12 là số năm tôi đạt học sinh giỏi và được nằm trong top 12% sinh viên danh dự và xuất sắc của trường Đại học mình theo học tại Mỹ. Những thành tích tuy không quá lớn nhưng luôn là niềm tự hào và động lực gợi nhớ tôi về sự cố gắng cũng như nỗ lực của bản thân.
Với xuất phát điểm có nhiều khó khăn về thể chất cũng như trí tuệ, thay vì chấp nhận, tôi đã lựa chọn sự kiên trì. Tôi nghĩ chính sự quyết tâm, ý chí là chìa khóa giúp tôi vượt qua mọi rào cản của bản thân, can đảm theo đuổi ước mơ và đạt được điều mình mong muốn. Cũng chính vì vậy quan điểm trong cuộc sống của tôi luôn là: Bạn chỉ có thể thất bại khi bạn ngừng cố gắng", tân Miss Peace Vietnam bày tỏ.
Tham gia cuộc thi Miss Peace Vietnam với thông điệp hòa bình, Ban Mai thổ lộ: "Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm các công việc liên quan tới pháp luật. Từ nhỏ, tôi đã được dạy về tinh thần thượng tôn pháp luật hay tầm quan trọng của hòa bình, giá trị của sự bình đẳng, hạnh phúc cũng như ý thức được bạo lực và chiến tranh luôn là những hành động đáng lên án.
Càng lớn lên, tôi càng nhận ra rằng, hòa bình không chỉ đơn thuần gói gọn ở việc được sống trong một xã hội bình an và không có chiến tranh. Hòa bình còn cần được xuất phát trong chính gia đình, tâm hồn và suy nghĩ của mỗi người. Bạo lực ngôn từ, bạo lực gia đình và áp lực từ xã hội cũng chính là những vũ khí vô hình làm tổn thương con người".
Tân Miss Peace Vietnam cho rằng, ai cũng có những cuộc chiến nội tâm của riêng mình. Bản thân cô cũng từng là một người phải đấu tranh với những xung đột trong bản thân mỗi ngày: "Tôi từng mặc cảm về ngoại hình, tự ti về việc mình chưa đủ tốt, chưa đủ giỏi bằng các bạn đồng trang lứa.
Hoặc đôi khi xung đột chỉ đơn giản là phải đấu tranh giữa lợi ích cá nhân với tập thể, nói dối hay nói thật trong công việc, học tập, đời sống hằng ngày. Hòa bình nghe có vẻ là một khái niệm đơn giản nhưng có thể là một trạng thái mà con người phải theo đuổi cả đời để sỡ hữu, để tìm được sự bình yên, hạnh phúc và hòa hợp không chỉ tại môi trường mình sinh sống mà còn trong chính tâm hồn của mình.
Cũng chính vì lẽ đó, mẹ là người có sức ảnh hưởng lớn nhất đến tôi. Là một thẩm phán, mỗi ngày mẹ đều phải đối mặt với những vụ án căng thẳng, phải đưa ra những quyết định cân bằng giữa tình cảm và lý trí, đó đều là các cuộc đấu tranh không hề đơn giản nhưng mẹ vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình: trừng trị bạo lực, cái ác và bảo vệ chính nghĩa, người dân.
Có thể nói mẹ chính là một trong những chiến sĩ mang trong mình trọng trách gìn giữ và duy trì hòa bình của đất nước. Tuy mang nhiều áp lực và trách nhiệm lớn lao, mẹ vẫn luôn chu toàn chăm sóc cho gia đình, là một người phụ nữ độc lập và bản lĩnh. Vì vậy mẹ luôn là một hình mẫu tôi ngưỡng mộ và muốn trở thành", Ban Mai chia sẻ thêm.
Tân Miss Peace Vietnam cho biết, từ tháng 3 đến tháng 6/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, cô đã có khoảng thời gian mắc kẹt tại Mỹ, phải chờ chuyến bay cứu trợ để trở về Việt Nam. Trong thời gian này, ngày ngày cô phải ở trong phòng, đối mặt với 4 bức tường, không được ra ngoài hay đến trường… và cô đã cảm thấy mông lung, vô định, lạc lõng. Cô dần trở nên nghi hoặc về tương lai cũng như bị bủa vây bởi những suy nghĩ tiêu cực.
Tình cờ vào tháng 6/2020, cô được một người bạn giới thiệu tham gia vào tổ chức STEAM for Vietnam, một tổ chức phi lợi nhuận sáng lập nhằm tạo ra các khóa học dạy lập trình miễn phí cho trẻ em Việt Nam. Được làm việc cùng với các tình nguyện viên ở mọi ngành nghề, lứa tuổi đến từ khắp nơi trên thế giới (các công ty công nghệ hàng đầu như Google, Got It, Microsoft…) đã giúp cô học được rất nhiều điều và thúc đẩy bản thân phát triển hơn nữa.
"Ngoài ra, tôi nhận ra được niềm vui của sự cống hiến và tạo ra các giá trị cộng đồng, tôi đã hiểu được rằng dù bạn là ai, đến từ đâu, ở tầng lớp nào thì bạn đều có khát khao được đóng góp cho xã hội bằng chính kiến thức và tài năng của mình. Dù chỉ có thể đồng hành cùng STEAM for Vietnam trong 6 tháng đầu tiên nhưng tôi đã rất hạnh phúc và tự hào vì đã có thể góp một phần nhỏ sức lực của mình trong công cuộc ươm mầm các búp măng non, thế hệ trẻ Việt Nam qua con đường giáo dục. Được tiếp xúc với các em làm tôi thêm lạc quan, vui vẻ và dần thoát khỏi những cảm xúc tiêu cực.
Tôi nghĩ trẻ em, hay thế hệ trẻ luôn nằm trong những đối tượng cần được quan tâm nhất hiện nay, không chỉ đơn giản về mặt thể chất, trí tuệ mà còn về mặt tinh thần. Là một người trẻ, may mắn được lớn lên trong một đất nước hòa bình, trong tình yêu thương của gia đình nhưng tôi cũng từng có những trăn trở, mặc cảm của riêng mình và những cuộc chiến trong chính bản thân.
Tôi cũng đã và đang chứng kiến rất nhiều người em, người anh, người chị bị tổn thương trong chính gia đình của mình hay bị chính những xung đột trong bản thân mình nuốt chửng. Đó có thể là những người tôi quen biết, hoặc những câu chuyện tôi được thấy trên báo đài với tần suất ngày một nhiều.
Có rất nhiều người mặc định Gen Z là một thế hệ yếu đuối trong sự sung sướng, nhưng tôi tin bối cảnh xã hội tạo nên con người và dù thế hệ trẻ hay Gen Z đã may mắn không phải lớn lên trong sự nghèo đòi, chiến tranh hay bom đạn thì họ vẫn phải lớn lên đối mặt với những cuộc chiến nội tâm của chính mình. Việc xã hội và cộng đồng nên làm là giúp đỡ những người trẻ có thể vượt qua những rào cản nội tâm của bản thân từ đó thúc đẩy họ phát triển trí tuệ và tài năng để ngày một thành công hơn".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn