'Mồ côi' vì bố mẹ bỏ nhau

15:38 | 09/06/2018;
“Cháu không có bố mẹ. Bố mẹ cháu bỏ nhau lâu rồi. Giờ cháu ở với bà ngoại” - câu nói hồn nhiên của cậu bé vừa bước sang tuổi 15 xoáy vào lòng những người làm cha mẹ cảm xúc khó tả.
Công viên Cầu Giấy (Hà Nội) ngày hè cuối tuần đông nghẹt trẻ con, người lớn. Chỗ nào cũng có trẻ con chơi các trò. Sau những phút chạy nhảy, nô đùa, con trai tôi ngồi một chỗ xả hơi với một đàn động vật xung quanh. Mấy em bé khác cũng bon chen ngồi xuống chơi cùng con tôi.
 
Cậu bé đó tên Vũ Hoàng Anh, 15 tuổi, bỗng đi qua đi lại trước mặt 2 mẹ con tôi, rồi đưa chân qua đầu các bạn nhỏ, thản nhiên thò tay vào túi bim bim bé khác bốc lên ăn. Cậu thản nhiên “mượn” kem của một bé khác cắn nhờ một miếng. Rồi cậu bé lại đá bóng của em khác bay xa mà không đá trả lại...

 
 
Khá nhiều phụ huynh thấy vậy liền xua đuổi cậu bé Hoàng Anh ra chỗ khác chơi. “Sao đi đứng kiểu gì vậy?", “Không có mắt à?”, “Con cái nhà ai chả khác gì kẻ cướp...”, “Bố mẹ nào có con cái lớn thế kia không dạy bảo tử tế”...
 
Những câu nói rất vô tình ném vào mặt cậu bé Hoàng Anh, khiến gương mặt gầy xương xương, đen nhẻm ấy vốn đã trơ cứng cảm xúc, lại càng lỳ hơn.
 
Tôi vội vẫy cậu bé lại gần và bảo với các phụ huynh xung quanh: “Có lẽ cậu bé có gì không bình thường, đừng mắng cậu ý nữa”. Tôi hỏi: "Cháu thích chơi động vật thì ngồi xuống chơi với em nhà cô đi". Cậu lầm lì nhưng vẫn ngồi xuống chơi cùng con trai tôi.
 
Tôi hỏi cậu bé: “Cháu đi cùng bố hay mẹ đến đây?”. “Không cùng ai. Bố mẹ cháu ly hôn, giờ cháu không có bố mẹ”. “Vậy ai đưa cháu đến đây chơi?”. “Cháu tự đi. Mẹ cháu lấy chồng. Bố bỏ đi lâu rồi. Cháu ở với bà ngoại”.
 
Câu chuyện buồn của cậu bé dần hé mở. Hoàng Anh kể, hàng ngày, cháu đi nhặt đồng nát để bán lấy tiền về đưa cho bà mua gạo nấu cơm. Vừa nói, Hoàng Anh vừa cho tôi xem tờ 20.000 đồng khá nhàu nhĩ mà cậu đang cầm chặt trong tay. Ngày nào cũng vậy, cậu đi nhặt đồng nát và phải bán được ít tiền về đưa cho bà.
 
Cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn mỗi ngày. Ảnh minh họa
 
Hoàng Anh ngậm ngùi: “Cháu 15 tuổi, hồi trước cháu học lớp 2 thì nghỉ học, vì lúc đó mẹ đi lấy chồng. Lẽ ra, đến giờ cháu học lớp 9 rồi cơ”. Hoàng Anh cho biết, cậu nghe bà ngoại nói, khi mẹ mới sinh cậu được 3 tuổi thì bố bỏ đi với người khác.
 
Cũng phải mấy năm sau, bố trở về tìm mẹ để ly hôn. Cũng từ đó, cậu không gặp lại bố nữa. Nghe nói bố cậu đi vào Tây Nguyên xây dựng cuộc sống mới.
 
Mẹ con Hoàng Anh về ở với bà ngoại. Cậu cũng được đi học, nhưng khi đang học lớp 2 thì mẹ cũng đi lấy chồng, để lại cậu con trai còn nhỏ dại cho bà ngoại chăm sóc.
 
Cậu bé cho biết, mẹ lấy chồng ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), không xa với nơi bà cháu cậu ở (Q. Từ Liêm- Hà Nội) là mấy, song mẹ rất ít khi về thăm 2 bà cháu. Bà bảo, mẹ sinh 2 em bé, lại cũng nghèo, nên mẹ không về được.
 
“Cháu muốn được đi học cô ạ”. “Nếu giờ cháu đi học có học được không?” Cậu bé gật đầu: “Cháu học lại lớp 1 là được”. Ước mơ được đi học của cậu bé sống ở góc Thủ đô này cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ, tiếc nuối mà chưa biết bao giờ có thể giúp cậu bé biến ước mơ thành hiện thực.
 
Cũng lâu lâu, mẹ Hoàng Anh lại về thăm 2 bà cháu, lần nào cũng vội vã, mẹ cậu chỉ chơi được chốc lát, mua ít đồ ăn về cho con. Bà ngoại cậu bé nay đã ngoài 60, vẫn chăm chỉ đi nhặt đồng nát khắp các điểm đổ rác để kiếm tiền nuôi đứa cháu trai tội nghiệp.
 
Hồi mới phải nghỉ học, vì mẹ cậu không thể gửi tiền về cho bà ngoại nuôi cậu nữa, cậu bé ngẩn ngơ tiếc mãi, cậu khóc nhiều vì nhớ bạn, nhớ trường, nhớ lớp. Mỗi khi đi nhặt đồng nát, đi qua cổng trường học nào đó, cậu đều níu tay bà, đứng lại một lúc để nhìn vào cổng trường, nơi các bạn nhỏ đang nô đùa ở sân trường.
 
Biết cháu muốn đi học, nhưng với đồng tiền đi bán đồng nát mỗi ngày của 2 bà cháu, cũng chỉ đủ ăn, cái mặc có khi còn thiếu thốn, bà đành ngậm ngùi kéo cháu đi thật nhanh.
 
Bà chỉ dặn cậu: Đi nhặt được gì thì mang đi bán luôn, không phải mang về nhà, nặng và cồng kềnh. Cháu đi gần, không đi quá xa nhà, dễ bị lạc, không nhớ đường về.
 
Những ngày bà bị mệt, bị đau khớp chân, thì đồng tiền ăn của ngày hôm đó và vài ngày sau chỉ phụ thuộc duy nhất vào nguồn tiền mà Hoàng Anh bán đồng nát được. “Bà cháu vẫn khỏe, nhưng đau chân nên không đi bộ được nhiều” - Hoàng Anh kể. Cậu bé giải thích: Bà vẫn ngồi được, nói chuyện được, và nấu cơm được, thế là bà vẫn khỏe.
 
Cuộc nói chuyện của tôi và cậu bé cũng phải tạm dừng, vì trời đã tối. Tôi phải cho con về nhà, mang theo tâm sự và ước mơ được đi học của cậu bé Hoàng Anh.
 
Theo mảnh giấy tôi gửi cậu bé cầm về cho bà ngoại, bà gọi điện thoại cho tôi, giọng ngập ngừng: “Tôi già yếu lắm rồi, mắt cũng mờ, đi đường và nhìn đồ không còn rõ nữa. Giờ mẹ cháu sống với người chồng thứ 2 cũng nghèo khó, lam lũ lắm, không thể giúp được gì cho bà cháu tôi. Chỉ lo ngày nào tôi khuất núi, thì cháu tôi sẽ ra sao?
 
Ở lứa tuổi 15 này, tuổi đẹp nhất đời người của cậu bé mới lớn, nếu không được uốn nắn, dạy dỗ tử tế, cậu bé có thể rất dễ bị sa ngã... hoặc vì phải bươn trải lo miếng cơm, manh áo nuôi bà, cậu bé dễ bị nhiều tác động xấu của xã hội.
 
Trong nhiều hoàn cảnh, bố mẹ ly hôn sẽ khiến những đứa trẻ vô cùng thiệt thòi khi phải sống thiếu tình cảm của cha, hoặc mẹ. Đằng này, cậu bé Hoàng Anh lại “mồ côi” cả bố lẫn mẹ sau cuộc hôn nhân không lành lặn, là điều mà bất cứ ai gặp và nghe tâm sự của cậu bé cũng chua xót, đầy thương cảm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn