Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01/2019, được kỳ vọng là bước ngoặt tạo ra xung lực mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên thực thi CPTPP đã đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam thăng hạng trên bản đồ thương hiệu quốc tế
Bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, chia sẻ: Ở cấp độ quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia Việt Nam là một quốc gia có những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ rất chất lượng và qua đó thúc đẩy mạnh mẽ sự thăng hạng của thương hiệu quốc gia Việt Nam trên bản đồ thương hiệu quốc tế.
Theo đánh giá của tổ chức Brand Finance – một tổ chức định giá thương hiệu toàn cầu có trụ sở tại Anh, trong giai đoạn 2019 - 2022 thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 74% và trong bảng đánh giá của họ ở top 121 quốc gia có thương hiệu mạnh của thế giới thì Việt Nam có sự tăng trưởng đều qua các năm. Năm 2023 chúng ta xếp hạng 33/121 quốc gia, cũng là một sự tích cực về mặt thương hiệu quốc gia.
Đối với thương hiệu ngành hàng, trong đa dạng các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh Bộ Công Thương đã lựa chọn ưu tiên ngành nông sản, thực phẩm để xây dựng thương hiệu và qua đó thúc đẩy thương hiệu Food Việt Nam cùng với 9 phân ngành nông sản là lương thực, thủy sản, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, chè, mật ong và dừa để tăng cường quảng bá.
Còn ở cấp độ về doanh nghiệp, sau những nỗ lực rất bền bỉ của doanh nghiệp hiện nay đã có một số sản phẩm made in Việt Nam đi ra nước ngoài bằng thương hiệu riêng.
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng rất tích cực các cơ hội mà từ CPTPP mang lại.
Những kết quả tích cực này đã tạo động lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gia tăng thị phần hoặc giá trị thương hiệu ở những thị trường truyền thống, đồng thời tiếp cận và thâm nhập vào các thị trường mới.
Thảo luận về giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu Việt, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường các hoạt động, nâng cao năng lực cho về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp. Ở cấp độ quốc gia tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn