Cởi mở với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản
Không e ngại, ngại ngần khi nói về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản như chúng tôi tưởng tượng, những phụ nữ U40, U50 ở xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ về việc kế hoạch hóa gia đình rất cởi mở, hài hước.
Tại buổi sinh hoạt của nhóm phát triển cộng đồng ở thôn An Bình (xã Đan Phượng), những người phụ nữ nơi đây không e ngại khi nêu lên những thắc mắc. Ở tuổi 47, chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết không muốn sinh đẻ nữa nhưng không biết dùng phương pháp tránh thai nào thì tốt. "Tôi có 4 con, đứa lớn 25 tuổi, đứa bé 12 tuổi. Nếu không có phương pháp bảo vệ, tôi hoàn toàn vẫn có thể dính bầu. Ở tuổi này, việc sinh nở sẽ có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và con. Nếu có thai, lại phải đi phá, sẽ rất gây nguy hiểm. Chính vì vậy, tôi muốn dùng biện pháp tránh thai. Tuy nhiên, tôi nghe nói, uống nhiều viên thuốc tránh thai sẽ gây ung thư vú nên cảm thấy rất hoang mang", chị Ngọc Ánh băn khoăn.
Chị Ngọc Ánh chia sẻ, chị từng đi đặt vòng nhưng không hợp. Đặt vòng khiến chị bị đau bụng, rong kinh suốt mấy tháng trời. Không thể tránh thai bằng cách truyền thống này, chị được tư vấn dùng thuốc tránh thai. Thế nhưng uống thuốc chị lại lo sợ bị ung thư vú như nhiều người đồn.
Khi được trưởng nhóm tư vấn rằng thuốc tránh thai an toàn cho phụ nữ, không có chuyện gây ung thư vú như lời đồn đoán, chị Ngọc Ánh mới cảm thấy yên tâm. "Trước đây, chúng tôi "mù tịt" thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục. Đến viêm nhiễm phụ khoa, chúng tôi cũng không biết nguyên nhân. Chúng tôi chỉ biết lo lắng và chịu đựng. Vì thế, tình trạng viêm nhiễm kéo dài, bị tái đi tái lại. Cũng may, tham gia Nhóm phát triển cộng đồng phụ nữ giúp nhau làm kinh tế của thôn An Bình, chúng tôi được hướng dẫn chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục, kế hoạch hóa gia đình sau sinh… Nhờ có những buổi sinh hoạt cùng nhau, chúng tôi chia sẻ những vấn đề mà mình gặp phải. Nhờ vậy, sức khỏe chúng tôi tốt hơn, tinh thần thoải mái hơn và chúng tôi cảm thấy tự tin hơn", chị Ngọc Anh chia sẻ.
Bước ngoặt từ 10 triệu đồng vốn vay
Cũng sinh hoạt trong Nhóm Phát triển cộng đồng thôn An Bình, chị Vũ Thị Loan (sinh năm 1983) giờ thay đổi nhiều so với trước. Vài năm trước đây, kinh tế gia đình chị Loan rất khó khăn. Nguồn thu nhập trông chờ vào cây cà phê mỗi năm chỉ cho thu hoạch 1 lần, giá cá lại bấp bênh nên nuôi 4 đứa con ăn học với vợ chồng chị thật không dễ dàng gì. Thời điểm ấy, chị không biết sẽ cho các con ăn học đến đâu khi cảm thấy con đường phía trước thật mờ mịt.
Tham gia Nhóm Phát triển cộng đồng, bên cạnh các buổi sinh hoạt về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chị Loan và các thành viên còn được chia sẻ về kinh nghiệm phát triển kinh tế. Quan trong nhất, cách đây hơn 2 năm, chị được nhóm cho vay 10 triệu đồng. "Đây là số vốn không lớn nhưng với những người nghèo như chúng tôi, số tiền này thực sự có ý nghĩa. Nhờ đó, chúng tôi có một khoản đầu tư vào nuôi tằm. Đây cũng là bước ngoặt đối với tôi và gia đình", chị Loan cho biết.
Trước chưa có tiền, chị Loan chỉ nuôi 2-3g tằm, tương đương với 1-2 triệu đồng/tháng. Từ ngày vay được tiền, chị đầu tư nuôi 1 hộp tằm (tương đương 10g), cho thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. "Cũng nhờ khoản thu nhập ổn định này mà cuộc sống của các con tôi cũng đủ đầy hơn. Thời gian tới, khi quay vòng nguồn vốn đến tôi, tôi dự định vay thêm để trồng thêm 2 sào dâu, nuôi 3 hộp tằm. Với số tiền khoảng 20 triệu đồng/tháng từ 3 hộp tằm ấy, gia đình tôi sẽ có "của ăn của để". Như vậy, tôi cũng sẽ nghĩ đến việc đầu tư cho các con học hành tốt hơn", chị Loan vui vẻ tính.
Là trưởng nhóm Nhóm phát triển cộng đồng phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế thôn An Bình, chị Nguyễn Thị Tuyến cho hay: Nhóm có 20 thành viên. Trước đây, các chị em có trình độ văn hóa thấp, không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, luôn ngại ngần, e dè, sống khép kín. Thế nhưng, khi có dự án "Tổ chức xã hội thúc đẩy dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số" (viết tắt là dự án EC4 - dự án thuộc Liên minh châu Âu và Tổ chức ActionAid Việt Nam ) hỗ trợ, các chị em biết bảo vệ cơ thể, biết chăm sóc sức khỏe sinh sản. Quan trọng hơn, với gần 90 triệu đồng từ dự án, các chị em được vay vốn để phát triển kinh tế. Giờ đa phần kinh tế của chị em ổn định, ai cũng cảm thấy phấn khởi".
Ông Đinh Đức Chí, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), cho biết: "Dự án EC4 góp phần thay đổi nhận thức, phong tục tập quán lạc hậu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số như tảo hôn, kết hôn cận huyết,… nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe cho bà con, tạo điều kiện cho kinh tế xã hội của vùng phát triển tốt hơn".
Dự án EC4 được triển khai thực hiện ở 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng của huyện Lâm Hà từ tháng 7/2017 đến nay với nguồn vốn 4 tỷ đồng. Dự án sử dụng lực lượng y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, cán bộ hội phụ nữ, thanh niên để thành lập các nhóm truyền thông cộng đồng tại 2 xã, mỗi xã có 7 nhóm cộng đồng. Các thành viên nhóm truyền thông cộng đồng được dự án tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho các thành phần, nhóm đối tượng là phụ nữ và thanh niên DTTS trong độ tuổi tại địa bàn. Mô hình hoạt động thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết các quyền tiếp cận chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên vùng DTTS.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn