Theo đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thông tin, dự thảo nghị định gồm 6 chương, 33 điều, dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2021.
Nghị định sẽ có nội dung cụ thể về số biên chế công chức mỗi phường; cho phép ký hợp đồng làm công tác chuyên môn giải quyết các công việc mang tính chất có thời hạn, thời vụ hay không; trưởng công an phường có thuộc cơ cấu tổ chức UBND phường không…
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, 3 vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều là: Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu của UBND phường hay không? Có nên đưa vào quy định "không được chuyển giao các công việc thuộc nhiệm vụ của UBND về tổ dân phố thực hiện" để tránh hành chính hóa hoạt động của cộng đồng dân cư hay không? Về biên chế công chức làm việc tại UBND phường, dự thảo Nghị định đề xuất 15 biên chế cho 1 phường, tuy nhiên, Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị số biên chế cho 1 phường là 16 người...
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ băn khoăn về hoạt động của UBND phường theo chế độ thủ trưởng theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
"Chế độ thủ trưởng nhưng theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì có thực hiện được không, nếu không quy định rõ thì không vận hành được, nhiều khi chủ tịch UBND phường lại không dám quyết" - ông Huệ nêu.
Theo ông Huệ, trước đây phường là một đơn vị được cấp ngân sách, giờ đổi lại thành một đơn vị dự toán ngân sách. Nếu việc phê duyệt, cấp ngân sách không được giải quyết, ông lo ngại trì trệ, ách tắc trong hoạt động.
Về vấn đề công an phường có thuộc quản lí của phường hay không, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cũng cho rằng với nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nếu không giao cho công an phường chịu trách nhiệm địa bàn thì rất khó thực hiện, vì địa giới hành chính từng phường có đặc trưng riêng.
"Dù lực lượng công an thực hiện theo chỉ đạo từ ngành dọc rồi nhưng phải có lãnh đạo công an trong Đảng ủy phường thì mới tham gia chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn được" - ông Long nói.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về quy định trung bình 15 công chức một phường trong mô hình chính quyền đô thị, trong khi số lượng cán bộ, công chức phường ở Hà Nội hiện lớn hơn số này.
Đại diện lãnh đạo UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình) nêu thực tế là phường loại 1, hiện có 23 biên chế nhưng đang quá tải công việc. Vì vậy, lãnh đạo phường này cho rằng nếu rút xuống còn 15 công chức, tức là ít người đi, công việc nhiều lên thì càng quá tải, không đáp ứng được công việc.
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nêu quan điểm không nên quy định cứng mỗi phường bình quân 15 công chức, mà nên giới hạn số lượng để quận linh động điều chỉnh. Bà cho biết có những phường hiện nay chỉ 5.000-7.000 dân, trong khi có phường tới 40.000 dân.
Bà cũng đồng tình việc nếu không có công an tham gia trong UBND phường thì rất khó giữ trật tự trị an, nhất là ở nhiều địa bàn đông dân cư, phức tạp với nhiều tệ nạn. "Nếu không có lực lượng công an từ cơ sở thì quận, thành phố không nắm được", bà Hằng lo ngại.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết bộ phận soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ hơn về chế độ thủ trưởng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ và hoàn thiện thêm về nguyên tắc làm việc của UBND phường và chủ tịch UBND phường.
Ông Tuấn cũng đồng tình với ý kiến về việc nên đưa công an vào cơ cấu tổ chức UBND phường để cùng thực hiện bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn, tất nhiên không phải là công chức của phường và ngành dọc vẫn chỉ đạo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn