Từ nhiều năm nay, cơ sở đan lục bình của chị Lê Thị Kim Thoa ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ trên địa bàn. Chị Thoa cho biết, cách đây 5 năm, chị biết được ở tỉnh lân cận phát triển nghề đan lục bình, giải quyết được nhiều việc làm cho người dân nên đã quyết định "khăn gói" đi học nghề.
Sau khoảng 3 tháng, chị Thoa không chỉ tự làm mà còn hướng dẫn cho các chị em trong gia đình làm. Do thấy công việc phù hợp và có thêm thu nhập nên nhiều phụ nữ ở gần nhà chị cũng đến học nghề đan lục bình. Đến đầu năm 2018, chị Thoa thành lập cơ sở đan lục bình.
Theo chị Thoa, nghề đan lục bình rất dễ làm nên các chị em phụ nữ học nghề rất nhanh. Chỉ sau 6 tháng mở cơ sở đan lục bình, đã có gần 20 chị em phụ nữ tham gia và đến nay cơ sở đã tạo việc làm cho hơn 200 phụ nữ với mức thu nhập từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng.
Sở dĩ công việc này được nhiều phụ nữ lựa chọn bởi không bị phụ thuộc giờ giấc, có thể làm lúc rảnh rỗi và thích hợp với mọi lứa tuổi. Ngoài làm trực tiếp tại cơ sở, các chị em phụ nữ có thể nhận nguyên liệu mang về nhà làm. Chị Nguyễn Thị Nhung, ở ấp Ruộng Sạ 2 (xã Phong Đông), cho biết, nhờ có nghề đan lục bình mà chị có thêm công việc để làm lúc rảnh rỗi, giúp tăng thêm thu nhập. "Tuy thu nhập không cao, chỉ từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày nhưng được làm tại nhà, rảnh tay giờ nào làm giờ đó", chị Nhung chia sẻ.
Hội LHPN xã Phong Đông cho biết, nghề đan lục bình đã giúp chị em phụ nữ yên tâm làm ăn ở địa phương, thay vì phải đi xa kiếm sống. Mô hình đan lục bình của chị Lê Thị Kim Thoa thật sự rất ý nghĩa, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.
Thực tế, trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã chủ động giúp chị em phụ nữ khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh, gắn với phong trào thi đua phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Ngày càng xuất hiện nhiều gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tiêu biểu.
Ngoài mô hình đan lục bình của chị Lê Thị Kim Thoa, còn phải kể đến mô hình tổng hợp nuôi gà vườn, rắn, lươn hay mô hình trồng rau an toàn, sản xuất chả cá phi. Vừa qua, Hội LHPN xã Tân Thuận (huyện Vĩnh Thuận) cũng đã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, chủ yếu nuôi lươn, ếch, rắn với 10 thành viên tham gia. Khi vào tổ hợp tác, các thành viên sẽ phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất; cũng như được hỗ trợ về vốn nhằm giúp nhau phát triển, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh việc thành lập, duy trì các mô hình sinh kế hiệu quả, các cấp Hội LHPN huyện Vĩnh Thuận cũng đã hỗ trợ cho nhiều hội viên, phụ nữ có nhu cầu vay vốn làm ăn phát triển kinh tế; đăng ký giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo. Đồng thời, còn hướng dẫn phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; lồng ghép hoạt động hỗ trợ phụ nữ kinh doanh với tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ tại địa phương. Từ các hoạt động được triển khai thường xuyên, hiệu quả đã góp phần cho nhiều hội viên, phụ nữ vươn lên thoát nghèo bền vững, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn