"Những giọt nước mắt đã ngừng rơi"
"Đi tù về, chị biết làm gì đây em", "sức khỏe em không được tốt, rồi hoàn cảnh gia đình thế này, biết làm gì để sống", đó là những câu hỏi day dứt, đi kèm cả những dòng nước mắt mà thành viên hợp tác xã đã từng hỏi chị Nguyễn Thị Bình – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc.
Trên những cánh đồng sâm bố nở hoa rực rỡ tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, các chị em thành viên của HTX nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc cùng nhau thu hái những bông hoa sâm làm trà. Sâm bố chính là một loại dược liệu quý của Việt Nam, có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Những củ sâm to và mập mạp, thứ "đặc sản vàng" từ trong đất, là thành quả của sự vươn lên mạnh mẽ, thành quả của bàn tay và sức lao động của những người phụ nữ. Trên những cánh đồng hoa sâm ấy, những nỗi buồn, những sự mặc cảm từng có ở một số thành viên HTX nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc đã được đẩy lùi, chỉ còn lại nụ cười tươi bên nhau trong lúc cùng nhau lao động. Những bông hoa sâm bố rực rỡ dưới nắng vàng tựa như minh chứng, như bài ca về tinh thần đoàn kết, cùng nhau vươn lên của chị em phụ nữ nơi đây.
Khởi nghiệp với niềm yêu thích, nhận thấy tiềm năng lớn từ nguồn nguyên liệu quý là sâm bố chính, và quyết định đi đến với việc thành lập HTX nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc của chị Nguyễn Thị Bình và các thành viên nằm ở việc muốn trợ giúp, muốn đoàn kết, giúp đỡ nhau và những chị em khác cùng phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.
HTX hiện đã có 15 thành viên chính thức cùng 40 thành viên tổ hợp tác, trong đó có nhiều chị em là phụ nữ yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt. Chị Bình chia sẻ, HTX có một chị trước đây chồng nghiện ma túy, tàng trữ ma túy trong nhà, và chị đã bị ảnh hưởng, phải chịu án tù. Mãn hạn trở về, đi cùng sự mặc cảm, lo lắng không biết làm thế nào để hòa nhập trở lại, và quá khó để có một công việc.
Một em có sức khỏe yếu, bệnh tật, bị bạo hành tinh thần. Rồi có chị là hộ cận nghèo khi chồng mất, là mẹ đơn thân, rất khó khăn để nuôi con nhỏ. Với việc thành lập HTX, các chị em đã cùng nhau lao động sản xuất, cùng tạo ra thu nhập, cải thiện cuộc sống, bên cạnh đó còn giúp đỡ, động viên, đoàn kết với nhau cùng vươn lên, với đích đến là niềm vui, là hạnh phúc".
Chị Bình cho biết, trước đây nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn phải đi làm xa, thu nhập ít ỏi chỉ vài triệu đồng, lại không thể chăm sóc được con cái. Với việc cùng vào HTX, chị em đã có việc làm gần nhà, ở tại chính ngôi nhà của mình, ổn định cuộc sống, ổn định thu nhập hàng tháng với việc trồng, thu hoạch và sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu. Nhiều thành viên HTX bên cạnh việc thoát nghèo thì còn thoát khỏi những nỗi buồn, niềm đau đeo đẳng trong cuộc đời, giọt nước mắt ngừng rơi, nụ cười đã nở trên môi.
Là hội viên phụ nữ, trong suốt quá trình khởi nghiệp với cây sâm bố chính, thành lập, duy trì hoạt động và phát triển HTX nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc, chị Bình và HTX luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của Hội LHPN huyện Đồng Hỷ. Chị Bình được tham gia vào các khóa học hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, các hội chợ sản phẩm nông nghiệp, diễn đàn, cuộc thi về sản xuất kinh doanh do các cấp Hội tại Thái Nguyên tổ chức.
Vừa có thu nhập lại vừa vui
"40 thành viên của Hợp tác xã rau an toàn Hùng Sơn thì có đến 30 người cũng đồng thời là hội viên phụ nữ, nên nhiều khi chị em sinh hoạt là 2 trong 1, vừa là HTX vừa là công tác Hội. Chị em cùng nhau phát triển kinh tế, ngày lao động trên cánh đồng rau, tối về cùng nhau tập văn nghệ, tập dân vũ, vừa có thu nhập lại vừa vui. Các thành viên HTX ở đây gắn bó với nhau lắm, tình cảm như một gia đình", cô Nguyễn Thị Hiền – thành viên HTX rau an toàn Hùng Sơn chia sẻ.
Con đường dẫn vào tổ dân phố Xuân Đài (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đi giữa những vườn rau xanh mát. Xóm phố khang trang, sạch sẽ với những ngôi nhà cao tầng to đẹp. Cô Hiền cho biết, trước đây đời sống người dân ở Xuân Đài khó khăn, người dân có nghề trồng rau nhưng canh tác nhỏ lẻ, lại thiếu nước, hạn hán nên rất chật vật.
Những năm qua, với việc HTX rau an toàn Hùng Sơn ra đời, chuyển đổi mô hình sản xuất lên hiện đại, ứng dụng khoa học kĩ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, nên đời sống của các thành viên HTX, của người dân đã thay đổi hoàn toàn. Nhờ sự nỗ lực chung của các chị em, HTX rau an toàn Hùng Sơn đã đạt tiêu chuẩn VietGap, hiện là thương hiệu rau sạch được khẳng định trên thị trường Thái Nguyên. Các thành viên HTX có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Với riêng cô Nguyễn Thị Hiền, nhờ có cánh đồng rau và nông sản hơn 7000 m2, cô đã có thu nhập ổn định, chăm sóc tốt cho người chồng thương binh và còn tạo thêm công việc, thu nhập cho những lao động khác.
Bên cạnh việc cùng nhau phát triển sản xuất tăng thu nhập, các chị em còn cùng nhau chia sẻ, nâng cao kiến thức, cùng đoàn kết thực hiện những chương trình khuyến học, an sinh xã hội, cùng xây dựng đời sống văn minh, gia đình hạnh phúc. "Trong HTX, nếu chị em nào đau ốm, có gì đó khó khăn, các thành viên khác giúp đỡ ngay. Con em có kết quả học tập tốt, đỗ đại học cũng nhận được phần quả nho nhỏ để động viên. Các thành viên HTX luôn coi HTX như ngôi nhà chung, và ở đó ai cũng thấy tinh thần phấn khởi, tìm được nguồn cảm hứng mới", cô Hiền cho biết.
Những năm qua, hoạt động hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo, phát triển kinh tế được Hội LHPN Thái Nguyên quan tâm, đẩy mạnh. Nhiều hoạt động thiết thực gắn với vận động phụ nữ thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, giảm nghèo của địa phương được triển khai thực hiện. Hội tập trung hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng các mô hình sinh kế, phối hợp đào tạo nghề, giới thiệu, tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ nghèo, chú trọng quan tâm phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hiệu quả đạt được là đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ, người lao động được nâng lên.
Đặc biệt, từ khi có Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đế năm 2030" của Chính phủ, công tác hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được đẩy mạnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch "Thực hiện Đề án Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đế năm 2030 tỉnh Thái Nguyên", nhằm mục tiêu củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ; hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên và người lao động trong HTX; nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX... Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, Liên minh HTX tỉnh và chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp tổ chức thực hiện Đề án.
Từ khi triển khai Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" đến nay, các cấp Hội phụ nữ tại Thái Nguyên đã hỗ trợ thành lập mới được 8 hợp tác xã – nâng tổng số hợp tác xã do Hội hỗ trợ thành lập lên 34 hợp tác xã, duy trì hoạt động 117 tổ hợp tác, 45 tổ liên kết sản xuất, 66 nhóm sở thích. 18.173 lao động nữ được tham gia các lớp đào tạo nghề do các cấp Hội phối hợp tổ chức, trong đó 9.461 phụ nữ được giới thiệu có việc làm sau đào tạo.
Các mô hình HTX do các cấp Hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ thành lập, bên cạnh việc tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống còn trở thành ngôi nhà chung, ngôi nhà hạnh phúc, nơi mỗi thành viên luôn cảm nhận được tình yêu thương, tình đoàn kết, cùng nhau hướng tới những điều tốt đẹp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn