6 tháng đầu năm, Việt Nam có 8,8 triệu khách du lịch quốc tế
Tập đoàn chuyên quản lý và nghiên cứu thị trường bất động sản Savills vừa có báo cáo nhận định về ngành khách sạn trong bối cảnh du lịch phục hồi mạnh mẽ. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đón tiếp tổng cộng 8,8 triệu lượt khách quốc tế. Trong số các thị trường khách quốc tế, Hàn Quốc vẫn đang dẫn đầu, tăng trưởng gần 10% so với cùng kỳ trước dịch. Lượng khách Trung Quốc - thị trường lớn nhất trước đây - cũng đang dần khôi phục.
Dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn chưa quay về mức trước đại dịch do sự sụt giảm công suất phòng cho thuê. Giá phòng bình quân gần đạt xấp xỉ mức trước dịch tại phần lớn các điểm đến trong nước. Một số khách sạn tại TPHCM và Hà Nội ghi nhận sự cải thiện giá phòng cao hơn thời điểm 2019 nhưng nhìn chung, mức tăng trưởng giá phòng của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Sự khôi phục chậm từ các thị trường khách truyền thống như Nga, Trung Quốc, cùng với sự tăng trưởng nguồn cung mạnh mẽ tại các điểm đến du lịch biển trong những năm qua là nhân tố chính tác động đến công suất phòng cho thuê. Theo thống kê của Savills, khoảng 45.000 phòng thuộc phân khúc trung cao cấp được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2020 đến tháng 6/2024, tương đương mức tăng 25% nguồn cung phòng.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, nhận định: "Có thể nói rằng nguồn cầu đã gần như khôi phục, tuy nhiên thị trường nghỉ dưỡng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Trước đây, nhiều chủ đầu tư vội vàng nắm bắt cơ hội phát triển của ngành du lịch nhưng lại chưa có sự cân nhắc thấu đáo mô hình, lựa chọn sản phẩm. Nhiều dự án được xây dựng nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng của tệp khách lưu trú sẵn có, thay vì chú trọng đem đến các sản phẩm nhằm thu hút nguồn cầu mới. Condotel tại các điểm đến ven biển gặp phải khó khăn khi thị trường không thuận lợi, một số phải tạm dừng triển khai."
Mô hình khách sạn chỉ có các dịch vụ cơ bản sẽ phổ biến hơn
Theo Savills, số lượng dự án gắn với thương hiệu nhà điều hành quốc tế không ngừng gia tăng tại Việt Nam. Trong 3 năm tới, số lượng dự án khách sạn này dự kiến chiếm 40% tổng số lượng dự án trung, cao cấp đang hoạt động tại Việt Nam.
Các biến động trên thị trường nghỉ dưỡng những năm gần đây khiến ngành khách sạn gặp nhiều thách thức trong việc duy trì biên lợi nhuận tốt. Quy mô dự án càng lớn càng dễ gặp nhiều khó khăn khi thị trường thay đổi. Do vậy, việc tối ưu hóa hiệu suất vận hành trở nên quan trọng hơn, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt nguồn nhân sự chất lượng.
Theo chuyên gia của Savills, trong thời gian tới, mô hình khách sạn dịch vụ chọn lọc - khách sạn chỉ cung cấp dịch vụ ở mức cơ bản sẽ trở nên phổ biến hơn. Mô hình này đáp ứng nhu cầu gia tăng của nhóm khách ngân sách tầm trung và đã rất phổ biến tại các quốc gia khác, tuy nhiên lại chưa được nhận diện rộng rãi tại Việt Nam".
Mô hình này phù hợp với các điểm đến du lịch phát triển với nhiều tiện ích ẩm thực và vui chơi giải trí sẵn có. Khách sạn có thể tiết giảm các tiện ích và dịch vụ, qua đó giảm được chi phí đầu tư, chi phí vận hành, giảm được giá phòng mà vẫn không ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Tại Việt Nam, mô hình đã có mặt tại TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng và một vài địa điểm khác nhưng số lượng còn hạn chế.
Trong thời gian tới, với sự hồi phục của thị trường Trung Quốc, cùng với các chương trình kích cầu, du lịch được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tốc độ khôi phục. Thị trường cần đa dạng hơn về sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa địa phương, doanh nghiệp để có thể tạo thêm giá trị cho sản phẩm du lịch.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn