Mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” gắn với xây dựng ngôi nhà an toàn cho phụ nữ, trẻ em

12:32 | 30/03/2023;
Đây là mô hình do UBND quận Ba Đình (Hà Nội) chỉ đạo triển khai nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên phụ nữ, chủ nhà trọ, nữ lao động nhập cư, người lao động di cư tại các xóm trọ trên địa bàn quận.

Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên, phụ nữ, chủ nhà trọ, nữ lao động nhập cư, người lao động di cư tại các xóm trọ trên địa bàn trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, UBND quận Ba Đình chỉ đạo nâng cao chất lượng mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” gắn với xây dựng ngôi nhà an toàn cho phụ nữ, trẻ em. 

100% gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nữ lao động nhập cư, người lao động thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn được trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy

UBND quận Ba Đình ban hành vừa ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND (tháng 3/2023) về tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ nâng cao chất lượng mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” trong cán bộ, hội viên, phụ nữ, chủ nhà trọ và người lao động nhập cư trên địa bàn quận.

Theo đó, UBND quận Ba Đình chỉ đạo Công an quận, Hội LHPN quận tổ chức các tập huấn kiến thức về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, tặng bình chữa cháy cho hội viên, phụ nữ, nữ lao động nhập cư có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tập huấn kiến thức, nhân rộng mô hình “Chi, tổ phụ nữ an toàn phòng cháy chữa cháy”; gắn với vận động các hộ gia đình, cán bộ, hội viên tự trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy, dụng cụ phá dỡ phục vụ công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ban đầu. 

Mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” gắn với xây dựng ngôi nhà an toàn cho phụ nữ, trẻ em - Ảnh 1.

UBND phường Ngọc Hà phối hợp với Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức tập huấn, tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn cho hộ kinh doanh, hộ gia đình, người lao động trên địa bàn phường.

Với kế hoạch này, trong năm 2023, quận phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu:

- 80% hộ gia đình hội viên có ít nhất 1 người tham gia tập huấn kiến thức phòng cháy chữa cháy và tự nguyện trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy.

- 50% hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; nữ lao động nhập cư, người lao động, sinh viên thuê nhà có hoàn cảnh khó khăn được tập huấn kiến thức và tặng bình chữa cháy.

- 100% gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nữ lao động nhập cư, người lao động thuê trọ có hoàn cảnh khó khăn được trang bị phương tiện chữa cháy.

- Nhân rộng thêm 10% mô hình “Chi, tổ phụ nữ an toàn phòng cháy chữa cháy” nâng tổng số lên 40% chi hội thực hiện mô hình.

- 100% cán bộ, hội viên cài đặt và biết sử dụng “App 114”; quan tâm tài khoản zalo của “Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Bộ Công an”.

- Mỗi hộ gia đình hội viên phải có ít nhất 1 người tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng; tham gia lớp huấn luyện nghiệp vụ về cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và được cấp Chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

- 100% hộ gia đình hội viên, mỗi hộ trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay (loại bình bột ABC hoặc bình khí C02), ít nhất 1 dụng cụ phá dỡ (căn cứ theo điều kiện thực tế, có thể trang bị thêm mặt nạ phòng độc, dây cứu người, thang dây…).

Mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” gắn với xây dựng ngôi nhà an toàn cho phụ nữ, trẻ em - Ảnh 2.

Chương trình tuyên truyền, tập huấn nhằm trang bị cho người dân, hộ kinh doanh trên địa bàn phường những kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; phát huy năng lực 4 tại chỗ, nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy; tăng cường công tác sẵn sàng ứng phó, xử lý các tình huống cháy nổ.

"Việc triển khai mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy” không chỉ giúp nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ chúng tôi trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ mà còn đảm bảo an ninh, an toàn cho mỗi hộ gia đình, cho phụ nữ, trẻ em trong quận", chị Nguyễn Thị Phương, một người dân trong quận Ba Đình, chia sẻ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn