Với niềm đam mê nghề làm sản xuất mây tre, bà Hoàng Thị Chung (Giám đốc Hợp tác xã Mây tre xuất khẩu Liên Khê, xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã giúp nhiều người lao động có việc làm ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Yêu thích nghề sản xuất mây tre đan của địa phương, từ năm 15 tuổi, Hoàng Thị Chung đã theo học nghề. Bà đã đến các địa phương trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu thị trường, học hỏi, sưu tầm những mẫu sản phẩm mà khách hàng ưa chuộng
Cơ sở sản xuất của bà sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng mới, thêm họa tiết hoa văn vào các sản phẩm mây tre đan nhằm tạo sức hút với khách hàng.
Nhiều phụ nữ cao tuổi vẫn lao động tại cơ sở sản xuất
Hiện nay, HTX có 15 tổ sản xuất với trên 300 lao động tại các xã của huyện Khoái Châu, thu nhập bình quân 4 - 4,3 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có 14 lao động là người khuyết tật. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 1.500 sản phẩm mây tre đan các loại.
Để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, các chị em trong HTX phải tỉ mỉ, học hỏi hàng có kỹ thuật cao nhất, liên tục thay đổi mẫu mã, màu sắc… theo yêu cầu của khách hàng.
Theo bà Chung, nghề sản xuất mây tre đan dễ học, dễ làm, lại nhẹ nhàng, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, ai cũng có thể tranh thủ làm được.
Chính vì thế, bà Hoàng Thị Chung phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hưng Yên, Liên minh HTX tỉnh mở các lớp dạy nghề mây tre đan cho người dân ở các địa phương trong tỉnh.
Mỗi năm, bà Chung mở từ 4 đến 5 lớp dạy nghề sản xuất mây tre đan miễn phí cho 100 - 200 học viên tham gia. Cùng với đó, bà mở các lớp dạy nghề miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Bà Hoàng Thị Chung đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững tại địa phương.