Tiếng Anh và tiếng Trung là hai ngôn ngữ được sử dụng tương đối nhiều tại Đà Nẵng. Nhưng hiện nay, tại thành phố biển miền Trung, chưa có trung tâm ngoại ngữ nào chuyên dạy giao tiếp cơ bản song ngữ Anh – Trung. Với vốn ngoại ngữ tiếng Trung học tại trường Đại học và vốn tiếng Anh khi theo học Thạc sĩ công tác xã hội tại Úc (chương trình học bằng tiếng Anh 100%), chị Nguyễn Thị Hải Yến đã sử dụng vốn của cá nhân đầu tư các khoá học bổ sung online trong mùa dịch Covid-19.
Chia sẻ về lý do chọn thời điểm đặc biệt này để bắt đầu, chị Hải Yến cho biết: Dịch bệnh dẫn đến việc giảm nhân sự ở nhiều nơi. Ngay cả bản thân tôi cũng phải nghỉ làm không lương dài hạn. Với kỹ năng chuyên nghành trong Công tác xã hội, tôi nhận ra đây là thời điểm cần thực hiện việc gì đó giúp cho cá nhân vượt quá sự nhàm chán, làm điều gì đó để không lãng phí thời gian và hỗ trợ cộng đồng xung quanh mình. Tôi đã nghĩ đến mô hình song ngữ Anh-Trung trực tuyến cho những người đang chờ đợi quay lại công việc và các bạn nhỏ phải học văn hoá tại nhà.
Cô giáo Hải Yến bắt đầu với 3 lớp thử nghiệm online. Lớp học được thiết kế cho trẻ em từ 8-12 tuổi và các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn chỉ mới tốt nghiệp cấp 3 và làm trong các nghành nghề dịch vụ tại Đà Nẵng và các bạn khuyết tật làm việc trong các tổ chức nghề hoặc nhà máy khu công nghiệp. Thời gian học ngắn và mang tính thực tế cao, trong khi học phí phải chăng, đảm bảo đầu ra có thể giao tiếp căn bản 2 ngoại ngữ Anh và Trung.
Các lớp học mở vận hành đều từ nguồn vốn của cá nhân của cô giáo. Chị dự tính xây dựng mô hình nhỏ để ổn định trước, sau đó vận động các nguồn để mở các lớp cho người khuyết tật và những bạn trẻ có nhu cầu học ngoại ngữ nhưng gặp điều kiện kinh tế khó khăn.
Những tháng đầu vận hành mô hình thử nghiệm, rất nhiều thách thức chị phải vượt qua. Đó là không thu được lợi nhuận về kinh tế từ các lớp học, nhưng buộc phải có trách nhiệm và nhiệt tình cao. Chị Hải Yến đã phải cân bằng lại mọi sinh hoạt cá nhân để có kinh phí duy trì lớp học. Bên cạnh đó, do xuất phát điểm của các học viên khác nhau, dẫn đến khả năng tiếp thu và xử lí thông tin cũng chênh lệch, nên cô giáo cũng phải dành thời gian hỗ trợ riêng phù hợp với từng đối tượng. Hạn chế về tài chính cũng đem lại những khó khăn nhất định trong việc photo, in ấn bài tập, giáo trình.
Hỗ trợ cho người khuyết tật
"Khi mở lớp học, mọi việc chỉ làm theo cảm tính từ việc soạn tài liệu, tìm kiếm thông tin trên mạng, sắp xếp thời gian biểu cho các học viên thực hành kỉ năng nghe và nói cùng nhau. Bản thân mình không biết rõ nguồn lực xung quanh mình để kết hợp và khai thác. Được tham dự khoá học về khởi nghiệp thuộc Dự án "Nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người khuyết tật Việt Nam" của quỹ Abilis Phần Lan tại Việt Nam, tôi nhận ra quá trình khởi nghiệp cũng là quá trình đi từ những kiến thức cơ bản và xây dựng nền móng vững chắc trước khi tiến đi xa hơn", chị Hải Yến chia sẻ.
Để mở rộng mô hình lớp học, chị chọn phương pháp tiếp thị truyền thống là truyền miệng và lan toả công chuyện của mình qua những kênh thông tin người thân, bạn bè, người quen hoặc tự tạo ra những hoạt động mang tính chất cộng động và kết hợp việc giới thiệu sản phẩm dịch vụ của mình. Đồng thời, chị cũng vạch rõ kế hoạch, lộ trình, định hướng cho từng khóa học để trung tâm có được những khách hàng tiềm năng và lâu dài, từ đó tạo nên thương hiệu của trung tâm. Hiện nay, bên cạnh các mô hình song ngữ và cung cấp dịch vụ miễn phí, chị Hải Yến đã liên tục mở được các lớp học mới, có thu nhập ổn định.
Bản thân là một người bị khuyết tật ở chân, chị Nguyễn Thị Hải Yến thấu hiếu rõ những rào cản tiếp cận việc làm của người khuyết tật. Vậy nên, chị luôn khuyến khích các bạn khuyết tật học ngoại ngữ tại trung tâm bằng dịch vụ miễn phí cho một số trường hợp hoặc học phí ưu đãi.
"Mục đích của tôi là hướng đến việc sau khi học và thi chứng chỉ, các học viên khuyết tật sẽ quay lại làm cộng tác viên với trung tâm. Mong muốn của tôi là trung tâm sẽ là nơi các bạn thanh niên khuyết tật có thể tham gia các khoá học và cùng cộng tác để phát triển, cung cấp một dịch vụ hoàn hảo và đủ tiêu chuẩn cho học viên đến học. Tôi học viên đến với mình không chỉ để học mà trung tâm còn là cầu nối giao lưu chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm của họ". chị Nguyễn Thị Hải Yến bày tỏ.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến sáng lập và điều hành trung tâm Smart Languages Center.
Địa chỉ: A102 Đường 30/4, P. Hoà Cường Bắc, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Chị Hải Yến chia sẻ về 4 nguồn lực các start-up trong lĩnh vực giáo dục cần tối ưu:
- Con người: kiến thức chuyên môn và kỹ năng truyền đạt, thuyết trình và xây dựng chương trình.
- Xã hội: lượng học viên cũ là khách hàng tiềm năng.
- Vật chất: mặt bằng và các trang thiết bị hỗ trợ phù hợp cho cả hai mô hình trực tuyến và trực tiếp.
- Tài chính: vốn tiền mặt từ bản thân, hỗ trợ từ bạn bè, gia đình và các người thân quen khác.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn