Nhắc đến Quảng Ninh, nhiều người có thể nghĩ ngay đến những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng được vinh danh quốc tế; đến những món ăn mặn mòi vị biển. Nếu ở vùng đất mỏ này đủ lâu, hẳn bạn sẽ còn ấn tượng hơn nữa với những nét bản sắc văn hóa rất đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Theo thống kê, tại Quảng Ninh có khoảng 42 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Dao chiếm khoảng hơn 45% dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Người Dao ở Quảng Ninh có 3 nhóm: Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán và Dao Lô Gang.
Nét đặc trưng dễ nhận biết nhất của họ chính là những bộ trang phục của phụ nữ được thêu hoa văn cầu kỳ và tinh tế. Phụ nữ Dao có cách thêu rất độc đáo, không theo khuôn mẫu mà theo trí nhớ và sự tưởng tượng của mỗi người. Họ thường thêu quanh năm, tranh thủ mỗi lúc nông nhàn. Những họa tiết trang trí cổ áo, tay áo, từng lớp vải để tạo nên chiếc khăn đội đầu rực rỡ, đều được thêu rất tỉ mỉ, có khi đến cả năm mới xong.
Tác giả cuốn sách "Người Dao Quảng Ninh", ông Nguyễn Quang Vinh, miêu tả: Trang phục truyền thống của người Dao có nhiều nét độc đáo, mang đậm dấu ấn thủ công và gắn bó chặt chẽ với đời sống của người dân mỗi vùng. Khó nhất khi thêu họa tiết trên áo, đó thường là hình sông núi, sóng nước.
Trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y là sự kết hợp của nhiều màu sắc như xanh, đỏ, vàng, đen, trắng… Nổi bật nhất là các họa tiết hoa, lá, chim, sao… được thêu bằng chỉ len nhiều màu ở vạt áo, vai áo, đai thắt lưng. Mũ đội đầu, yếm ngực cũng được trang trí nhiều họa tiết màu sắc sặc sỡ.
Một bộ trang phục của người phụ nữ Dao Thanh Phán cũng khá cầu kỳ với những họa tiết thêu tay với họa tiết hình chân chó - biểu tượng Bàn Vương (long khuyển, con chó mình rồng hay các họa tiết hoa văn phản ánh đời sống văn hóa của người Dao: hình lưỡi bừa, con đường, con chim, cây sâm, mặt trời…
Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 09/3/2018 của Tỉnh ủy "về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững", góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, tại thành phố Hạ Long, Hội LHPN các xã có đông người đồng bào dân tộc thiểu số đã tích cực phối hợp, tổ chức khai giảng 2 lớp dạy học thêu trang phục dân tộc Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán, 1 lớp dạy chữ Nho Dao Thanh Phán cho 60 hội viên và các cháu học sinh trong dịp nghỉ hè.
Đại diện Hội LHPN thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: Đây là một hoạt động thiết thực, bổ ích, giúp các em học sinh có cơ hội học hỏi, giao lưu dịp hè, để góp phần gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Đồng thời bảo tồn, gìn giữ nét văn hoá nghề thêu may trang phục truyền thống của dân tộc. Tại các lớp học các em được dạy thêu trang phục truyền thống, thêu hoa văn trên áo, trên khăn, trên túi, học chữ viết của người Dao. Các lớp này sẽ được duy trì thường xuyên.
Qua các lớp tập huấn, dạy nghề sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và các em học sinh tham gia, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng văn hóa, con người Hạ Long đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn