Mơ ngày ra viện được dắt tay con!

14:22 | 31/10/2013;
“Em nhớ con quá! Hơn 3 tháng rồi em chưa được gặp con. Không biết con ở nhà với ngoại có ngoan không? Mập hay ốm? Có khóc lúc ngủ vì vắng bố mẹ...”

Nhìn người phụ nữ mang trên mình chằng chịt những vết mổ và và đang phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị của người bị bệnh lao, tôi thấy khâm phục hơn là thương cảm. Chị là Lê Kiều Trinh (32 tuổi), quê ở huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) - nơi người ta sống chủ yếu bằng cách làm thuê hoặc quăng chài, thả lưới. “Hai vợ chồng đều làm thuê ở quê. Dù không có tiền dư nhưng vợ chồng, con cái cũng không phải chịu cảnh đói. Khi con đến tuổi tới trường, hai vợ chồng động viên nhau ráng làm để con không phải bỏ học, chỉ cần có sức khỏe thì việc gì khó cũng có thể vượt qua. Song, chưa kịp dành dụm tiền thỉ bệnh đã đổ xuống”, chị Trinh kể.

Từ 4 năm trước với căn bệnh Hẹp niệu quản, chị Trinh phải nhập viện điều trị và đặt ống thông bàng quang. Dù có chút bất tiện trong sinh hoạt nhưng rồi chị cũng quen dần. Chị kể: “Khoảng 3 tháng trước, trong người tui cảm thấy rất khó chịu, xuất hiện nhiều triệu chứng làm tui nghĩ có thể mình bị bệnh phụ khoa. Tui lên Rạch Giá khám và được bác sĩ kết luận là viêm cổ tử cung. Điều trị bằng thuốc uống và thuốc đặt nhưng không hiệu quả, tui tiếp tục lên các bệnh viện lớn tại TPHCM chuyên về phụ sản để “tìm bệnh”, cuối cùng, họ nói tui phải qua Bệnh viện Ung Bướu vì nghi ngờ có thể bị ung thư cổ tử cung. Chỉ trong 10 ngày, tui trải qua 2 cuộc phẫu thuật: Sinh thiết cổ tử cung và mổ bướu tại bàng quang chèn ép niệu quản. Ai cũng nghĩ tui bị ung thư nhưng cuối cùng, sau nhiều xét nghiệm tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì kết quả lại là lao cổ tử cung”.

 
Chị là Lê Kiều Trinh đang được chồng chăm sóc tại bệnh viện

Nhiều lần muốn bỏ cuộc

Hơn 3 tháng nằm viện, chị Trinh phải trải qua hàng chục lần sinh thiết với số tiền điều trị lên tới hàng chục triệu đồng. Biết gia đình chị khó khăn, các bác sĩ tại Bệnh viện Ung Bướu đã đề nghị để chị Trinh được điều trị miễn phí, dù vậy cuộc sống của vợ chồng chị cũng không bớt khó nhọc.

Chồng chị là anh Nguyễn Văn Đầy phải tìm đến các điểm phát cơm, nước từ thiện để giảm tối đa chi phí, thậm chí anh chưa một lần về quê từ khi vợ nhập viện, dù tiền xe đò từ TPHCM về Kiên Giang cũng chỉ vài chục ngàn đồng. Mặt trùm kín mít những lớp khẩu trang bảo vệ, anh Đầy tâm sự: “Nếu như vợ không được miễn phí điều trị, tui cũng không biết tính sao. Từ hồi vợ đi viện, con trai gửi bà ngoại, còn tiền thì nhờ bà con mượn, nhiều người biết hoàn cảnh cũng tới nhà cho dăm ba trăm, người nhà gom lại rồi gửi xe lên cho vợ chồng tui. Cứ sáng ra là tui xách cà mèn đi xin cơm cho cả hai vợ chồng, tối thì ra hành lang hoặc ghế đá ngủ. Nhiều khi cũng chẳng buồn nghĩ làm chi cho rầu, vì con người ai cũng có số cả, mình cực thì mình chịu, chỉ hy vọng vợ chóng khỏi bệnh chứ không mong gì hơn”.

Đưa chiếc gối vào sát mép tường, anh Đầy đỡ vợ ngồi tựa vào rồi lấy hộp cơm đặt trên chiếc tủ kế đầu giường ra hiệu cho vợ đã tới bữa trưa. Chị Trinh xúc muỗng cơm rồi bỏ vào miệng nhai rệu rã: “Bệnh hành hạ đã đành, tiền nằm viện cũng phải vay mượn. Những lúc sinh thiết đau quá cứ nghĩ hay thôi bỏ cuộc cho rồi. Sống được chừng nào hay chừng nấy, chứ chữa trị không biết có khỏi không, trong khi tiền vay mượn lại nhiều, sợ mình trở thành gánh nặng cho cha con ảnh. Nhưng rồi lại chột dạ: Lỡ như mình có bề gì, con mình ai nuôi? Vậy nên dù có đau mấy cũng cắn răng chịu đựng, chỉ có nỗi nhớ con là lặp đi lặp lại mỗi ngày, dày vò tui hơn cả nỗi đau thể xác do bệnh hành. Thỉnh thoảng, trong những giấc ngủ chập chờn, tui vẫn mơ mình đang dắt tay con tới trường trên những đoạn đường đầy nắng”.

Vắt hai đường ống dẫn tiểu nhằng nhịt ở hông qua một bên, chị Trinh kéo khẩu trang lên sát mắt rồi lấy cho tôi xem tờ kê đơn thuốc điều trị bệnh lao mà chị đang phải áp dụng mỗi ngày. Chị bảo: “Đã được 9 ngày uống thuốc lao rồi, những dấu hiệu của bệnh phụ khoa cũng đã thuyên giảm, trong người không còn thấy khó chịu như trước nữa, ăn uống cũng dễ dàng hơn. Cũng may, nếu bị ung thư thì không biết tốn bao nhiêu tiền và thời gian cho đủ. Tui nghe bác sĩ nói bệnh lao này chỉ cần chịu khó uống thuốc đúng liều, tái khám thường xuyên... là có thể kiểm soát, mừng nhất là thuốc lao không phải mất tiền mua vì nằm trong chương trình của Nhà nước. Sau khi kiểm soát được bệnh lao, tui sẽ được chuyển qua bệnh viện khác để chữa trị bệnh thận ứ nước và bí tiểu do bàng quang để bỏ ống thông tiểu. Không biết có đủ tiền để chữa trị hay không, nhưng được tới đâu hay tới đó vậy”.

Lao cổ tử cung là loại bệnh tương đối hiếm. Nguyên nhân trực tiếp là do vi trùng lao, còn nguyên nhân thứ phát thường xuất hiện sau tổn thương lao, đa phần là từ phổi rồi theo đường bạch huyết tới tử cung. Tuy vậy, nhiều trường hợp được ghi nhận là khi quan hệ với người bạn tình bị lao hệ sinh dục, vi trùng lao sẽ xâm nhập trực tiếp vào và gây ra lao. Những trường hợp này gọi là lao tiên phát, nhưng khá hiếm.

Ngoài những triệu chứng chung của bệnh lao như: Sụt cân, ăn uống kém, mệt mỏi, vã mồ hôi đêm... lao cổ tử cung có thêm các dấu hiệu về rối loạn phụ khoa: Rong kinh, ra huyết âm đạo, ra huyết bất thường hoặc đau bụng... Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp trở ngại về sinh sản, khó thụ thai, có thai ngoài tử cung hoặc vô sinh.

Phương pháp điều trị chủ yếu bằng thuốc lao và kết hợp với khoa phụ sản để can thiệp. Cũng cần chú ý dinh dưỡng của bản thân để tăng sức đề kháng...


Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng khoa B3, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, TPHCM

 

Để có thể tiếp tục chữa bệnh trong những ngày tới, gia đình chị Trinh rất mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Mọi sự đóng góp, ủng hộ xin gửi về địa chỉ: Nguyễn Văn Đầy, ấp Xẻo Lùng A, xã Thanh Yên A, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang hoặc Văn phòng đại diện Báo PNVN, số 38 Võ Văn Tần, P.6, Q.3, TPHCM. Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay gia đình chị Trinh trong thời gian sớm nhất.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn