Chủ nhân của nhà hàng xinh xắn và ấm áp này là một cô gái chính gốc Sài Gòn – Phạm Vi. Tự nhận mình có duyên với ngành ẩm thực, qua việc gây dựng và phát triển những cái tên đã có uy tín trong giới sành ăn Hà Thành như ốc Vi Sài Gòn (từ năm 2009), dimsum Minh Ký (từ năm 2015)…, nhưng cơ duyên lại đưa chị Phạm Vi đến với ăn chay.
Nhớ lại lý do mở nhà hàng chay của mình, chị Vi chia sẻ, ăn chay giờ đây đã trở thành xu hướng lựa chọn của nhiều người, nhưng các món ăn chay trong gia đình khá đơn giản thường sẽ không đủ hấp dẫn hoặc không đủ chất nếu ăn trường chay. Nên chị quyết định mở một nhà hàng chay, nấu theo kiểu nguyên thủy không giả mặn, từ cách lựa chọn nguyên liệu hữu cơ đến gia vị chế biến không có phụ gia, để mang một hương vị thuần-thực-vật và nguyên gốc đúng nghĩa đến mọi người.
Ăn chay theo kiểu hiện đại
Là một người năng động, hiện đại, nên “cô Vi Sài Gòn” cũng mang những lối sống tích cực, đầy năng lượng của mình vào trong V’s Home. Nếu không được giới thiệu trước đây là một nhà hàng chay, chắc chắn không ít thực khách sẽ có cảm giác như đang lạc vào một nhà hàng đồ Âu xinh xắn với cách bài trí kiểu Đông dương vừa quen thuộc vừa hơi có chất Tây. Bạn sẽ được chậm rãi nghe lại những bản tình ca du dương nổi tiếng, và chiêm ngắm những món ăn đẹp đẽ được đặt dưới các tên gọi hiện đại.
Chị Vi chia sẻ: Điểm đặc biệt nhất của V’s Home chính là thực đơn được xây dựng theo kiểu Âu, với những tên gọi gợi sự tò mò và hấp dẫn với thực khách như nụ hôn ngọt ngào, mùa bội thu, hội bạn thân, cô nàng tiệc tùng, khu vườn yên tĩnh…
“Vi muốn các món ăn chay phải được bài trí đẹp mắt, vì Vi rất trân quý các loại rau củ. Mỗi món rau củ là một tặng vật của vũ trụ, truyền năng lượng tốt đến người thưởng thức. Chọn những cái tên lạ cũng là cách để truyền cảm hứng đến cho thực khách”.
Với những người chưa quen ăn thuần thực vật, khi đến nhà hàng của Vi, họ sẽ thấy hơi khó ăn, vì cách nấu thuần vị ít phụ gia, nhưng với những người tìm kiếm sự thanh sạch, họ chắc chắn sẽ đón nhận và cảm được năng lượng trong mỗi món ăn, đồ uống sạch lành tại đây. Ngay từ đầu, Vi cũng xác định, mô hình nhà hàng chay này không giống những mô hình kinh doanh mở ra là có nhiều người đến ngay. Vi cũng luôn làm mới thực đơn và menu các món hàng ngày, như một lời tri ân gửi tới những người đã tin tưởng mình”, chị Vi tâm sự.
Chọn lối sống xanh, nên Vi đưa vào nhà hàng của mình những tiêu chí riêng như các loại nguyên vật liệu phải có nguồn gốc hữu cơ sạch lành, gia vị chế biến món ăn đều được nhà hàng tự chế, hoặc đặt riêng theo tiêu chí không sử dụng hóa chất. Tại V’s Home, khách hàng khó có thể tìm thấy túi nylon, ống hút nhựa, hộp xốp… bởi những món đó đã được thay thế bằng túi giấy, ống hút làm từ cỏ bàng hay hộp thủy tinh. Các loại rác thải nylon, thủy tinh trong quá trình vận hành đều được quán thu thập lại để tái sử dụng.
“Lúc ban đầu, nhân viên cũng khó thích nghi lắm, đôi khi chỉ vì thói quen sinh hoạt hàng ngày. Nhưng liên tục dành thời gian chia sẻ, dẫn dắt để họ thấm được triết lý sống xanh của mình, Vi mừng vì nhân viên đang bắt đầu thay đổi thói quen sau gần 1 năm làm việc rồi. Họ thay đổi, rồi gia đình bạn bè họ sẽ thay đổi, và mọi người sẽ có lối sinh hoạt có trách nhiệm với môi trường.
Chị Phạm Vi rất ngần ngại khi chia sẻ về dự án của mình: “Vi làm từ thiện một cách thật cẩn thận để giá trị mình trao đi, người khác nhận được chân thật nhất. Vi không chọn cách cứu đói, cứu trợ, mà đi vào những dự án bền vững hơn như xây cầu, xây trường…
Trước đây, Vi thường trích thu nhập cho các dự án từ thiện, nhưng rồi mình chợt nghĩ, nếu không may, một ngày nào đó, vì lý do nào đó, mình không còn điều kiện tài chính để duy trì quỹ nữa thì sao? Làm từ thiện nhưng cũng phải tính đến yếu tố bền vững, làm sao để dự án từ thiện có thể tự sản sinh ra quỹ cho các hoạt động của mình.
Nếu khách hàng để ý kỹ, sẽ thấy nhân viên của Vi có những người điếc, được Vi đào tạo, hướng dẫn để làm việc. Trong quá trình làm việc cùng họ, học ngôn ngữ ký hiệu để bước chân vào thế giới của họ, Vi nhận thấy, họ có khả năng làm việc bình thường, nhưng kỹ năng nghe nói hạn chế, do đó khả năng học hỏi và kỹ năng mềm còn hạn chế, nên gặp nhiều khó khăn trong công việc, giao tiếp với người xung quanh. Vì vậy, dự án tiếp theo trong năm 2019 của Vi là tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng mềm dành cho người điếc tại các tỉnh, và dạy họ những nghề thiết thực như nghề cắt tóc, các nghề liên quan đến nhà hàng…”
Chọn vợ chồng Bill Gate làm thần tượng, nguyện sẽ dành một phần thu nhập để làm thiện nguyện, chị Phạm Vi luôn tìm thấy một nguồn cảm hứng trong cuộc sống, luôn dồi dào năng lượng để làm việc vì những mục đích lớn hơn vì mình và gia đình của mình, đó là đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
5 bí quyết khởi nghiệp của chị Phạm Vi: - Tìm sự mới lạ trong những điều thân thuộc để tạo điểm nhấn độc đáo. - Luôn đổi mới, sáng tạo để khách hàng không cảm thấy nhàm chán. - Kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm. - Khách hàng chính là bạn, là người đồng hành trong chặng đường kinh doanh của mình. - Kinh doanh hướng đến xã hội, cộng đồng. |