Bệnh nhân là chị A.P (36 tuổi, quốc tịch Nam Phi) nhập viện trong tình trạng sa tử cung, sa trực tràng và yếu cơ sàn chậu… được chỉ định phẫu thuật phục hồi toàn bộ sàn chậu để bảo tồn các cơ quan và chức năng sinh sản cũng như duy trì sinh hoạt về sau.
Cuộc phẫu thuật hơn 3 tiếng đồng hồ đã diễn ra thành công. Bệnh nhân được xuất viện sau 1 ngày chăm sóc, điều trị.
Phương pháp mổ nội soi ổ bụng phục hồi sa tạng chậu sử dụng một miếng lưới treo thành trước được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân. Đây là phương pháp điều trị sa tử cung - sinh dục với kỹ thuật mới nhất được thế giới áp dụng hiện nay nhằm rút ngắn thời gian hậu phẫu, giảm tỷ lệ nhiễm trùng, giảm đau sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện giúp bệnh nhân phục hồi sớm.
TS-BS Robert Riche, Cố vấn cấp cao Sản phụ khoa - Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, người trực tiếp thực hiện ca mổ và điều trị cho bệnh nhân cho biết: "Đây là phương pháp tiên tiến đang áp dụng ở Pháp, được coi là lựa chọn đầu tiên đối với các bệnh tiểu không kiểm soát, sa tử cung, sa bàng quang ở phụ nữ. Đây là một kỹ thuật khó, phức tạp và để thực hiện thành công những ca phẫu thuật lớn như thế này ngoài tài năng của bác sĩ thì các yếu tố khác như phương tiện kỹ thuật phòng mổ, gây mê hồi sức tốt đóng vai trò quan trọng cho sự thành công của ca mổ".
Cũng theo bác sĩ Riche, chị P. là một trường hợp hy hữu, khi gần như các cơ quan cùng sa vào tử cung, việc can thiệp để điều trị và bảo tồn các cơ quan nhằm bảo tồn chức năng sinh sản cũng như sinh hoạt về sau cho phụ nữ ở mức độ khó. Tuy nhiên điều may mắn là bệnh nhân được thăm khám, phát hiện và điều trị sớm nên thuận lợi cho việc điều trị.
Sa tạng vùng chậu xảy ra do tình trạng suy yếu hệ thống nâng đỡ đáy chậu dẫn đến sự tụt xuống của các cơ quan vùng chậu vào âm đạo.
Theo bác sĩ Hồ Nguyên Tiến, Cố vấn cấp cao Sản phụ Khoa - Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, có tới gần 30 - 40% phụ nữ Việt Nam trên 40 tuổi bị són tiểu, tỷ lệ sa tạng chậu của người nước ngoài khoảng 30%, người Việt Nam khoảng 10-20%, trong đó 50% phụ nữ có sa các cơ quan trong vùng chậu liên quan đến sinh đường âm đạo. Sa tạng vùng chậu không đe dọa đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người phụ nữ, khiến phụ nữ mất đi sự thoải mái và tự tin trong cuộc sống.
Trước đây, để điều trị bệnh sa tạng chậu các bác sĩ thường dùng phương pháp cắt tử cung, khâu treo bàng quang, làm lại thành trước và sau âm đạo, phẫu thuật này phức tạp, thời gian phẫu thuật kéo dài, khả năng phục hồi chậm, dễ tái phát và nhiều tai biến. Hoặc phẫu thuật bịt âm đạo, như vậy, đồng nghĩa với việc loại bỏ hay hạn chế người bệnh khỏi "cuộc chơi yêu đương", khiến người phụ nữ luôn mặc cảm, đánh mất đi hạnh phúc làm vợ và gặp nhiều biến chứng về sau.
Gần đây cách điều trị sa tạng chậu có sự thay đổi là phải bảo tồn tử cung. Đó là phẫu thuật nâng thành tử cung bằng lưới qua đường âm đạo nhưng kỹ thuật này thường khiến cuộc phẫu thuật kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nhiễm trùng, lộ mảnh ghép… Trong khi đó, phương pháp phẫu thuật nội soi sẽ giúp người bệnh vẫn giữ được tử cung, phục hồi các tạng sa và như vậy cũng phục hồi lại cuộc yêu nên rất phù hợp cho các chị em còn trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn