1 mớ rau mua ở “chợ vỉa hè” gần nhà vừa tăng giá thêm 1.000 đồng. Tôi hỏi bà bán rau, tại sao giá xăng vừa giảm, giá phân bón, thuốc trừ sâu cũng đâu có biến động, mà lại tăng giá như vậy? Bà vừa đưa tay xếp gọn mấy mớ rau trong sọt, vừa cười: “Chuyện giá xăng dầu bây giờ chẳng “ăn nhập” gì với giá rau đâu. Chúng tôi chỉ chở rau đi bán bằng xe đạp, đâu có dùng đến xăng dầu. Chẳng qua là bởi vì vừa phải “chi” thêm cho cái ông được giao giữ trật tự lòng lề đường kia kìa. Mấy tháng trước chỉ phải chi có 50.000 đồng, giờ không hiểu vì cớ gì mà lại tăng lên 80.000 đồng. Chúng tôi không tăng giá để bù vào thì chẳng lẽ phải... chịu lỗ à?”.
Người tiêu dùng là những người phải móc túi để ‘trả thay’ cho họ khoản chi phí mà người buôn bán mua lấy điều kiện để có thể ‘lách’ khỏi những ‘lệnh cấm’. Ảnh minh họa: shutterstock
Hóa ra vậy! Chẳng là phường tôi đang phấn đấu trở thành “Phường văn hóa” nên việc quản lý lòng lề đường vừa được chỉ đạo là phải “siết chặt”. Thế là, một “chiến dịch cao điểm” về lập lại trật tự đường phố được mở ra, nhiều lực lượng được cử đi “làm nhiệm vụ”, chủ yếu là đuổi những người bán hàng trên vỉa hè. Nhưng khi nghe mấy bà bán hàng than nghèo kể khổ, một số người trong “lực lượng chức năng” thấy… mủi lòng. Thay vì kiên quyết không cho buôn bán ở đó làm xấu mỹ quan phố xá, họ quyết định “phạt cho tồn tại”. Mức “phạt” được những người này tự định ra, thu tiền mà chẳng có hóa đơn, biên lai gì. Song, đối với dân bán hàng rong thì như vậy là “chấp nhận được”, vì dù sao họ cũng còn có chỗ để làm ăn...
Thật ra, không cần đến khi có “chiến dịch cao điểm” mà từ trước giờ, mấy bà bán hàng rong đã phải “đóng hụi chết” mỗi tháng dăm bảy chục ngàn đồng cho những người đó. Tất nhiên là người bán hàng rong không thể bỏ tiền túi để chịu lỗ. Họ tìm cách “bù lỗ” bằng việc nâng giá từng mớ rau, lạng thịt, con cá... Cuối cùng thì chỉ có người tiêu dùng là phải bỏ tiền để “gánh tất”!
Những câu chuyện tương tự xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực. Hễ có “lệnh cấm” nào đó được ban hành là lại có những người được hưởng lợi khi nhận tiền để “bỏ qua” cho các đối tượng vi phạm “lệnh cấm”. Dân làm ăn, buôn bán gọi đó là những khoản “chi phí đen” để mua lấy điều kiện, không gian làm ăn thuận lợi, để có thể “lách” khỏi những “lệnh cấm”. Còn người tiêu dùng thì phải móc túi để “trả thay” cho họ khoản chi phí đó.
Chỉ là “chuyện nhỏ” với 1.000 đồng trên mỗi mớ rau nhưng lại rất đáng trăn trở.