Vụ Thị trường trong nước và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương vừa phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức "Hội nghị kết nối các sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực Miền Trung – Tây Nguyên" tại Đắk Lắk.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Theo Vụ Thị trường trong nước, cả nước có 6.010 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, trong đó có 3.126 doanh nghiệp tổ chức sản xuất gần 4.823 sản phẩm OCOP lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm Thực phẩm, Đồ uống, Thảo dược, Vải may mặc, Lưu niệm - Nội thất - Trang trí, Dịch vụ du lịch nông thôn… Trên cơ sở phân tích, đánh giá, cho thấy hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có khả năng, dư địa phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa, đây là một lợi thế rất lớn để các doanh nghiệp đánh giá lựa chọn dòng sản phẩm để khởi nghiệp.
Hội nghị này tăng cường kết nối thành công, hiệu quả các sản phẩm tham gia chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, qua đó góp phần liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, phát triển, kết nối các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Hội nghị này cũng diễn ra các hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, phát triển làng nghề, đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hội nghị cũng là cơ hội chia sẻ khó khăn, trở ngại của các doanh nghiệp, đơn vị trong quá trình sản xuất các sản phẩm OCOP.
Các chuyên gia tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất về kinh nghiệm xây dựng phát triển thương hiệu cho các đặc sản của địa phương. Hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước sẽ hỗ trợ, tư vấn các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP và khởi nghiệp nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Tại hội nghị diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP vào điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP giữa đại diện Sở Công Thương các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp phân phối sản phẩm, hệ thống siêu thị; qua đó thúc đẩy giao thương các hộ sản xuất, các hợp tác xã để đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối và tiêu thụ phục vụ người dân cả nước, từng bước hướng tới thị trường nước ngoài.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn