‘Mổ xẻ’ 2 vấn đề lớn liên quan đến phụ nữ dân tộc thiểu số

22:55 | 08/08/2019;
2 vấn đề lớn liên quan đến phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) là việc làm và rào cản đã được tập trung “mổ xẻ” tại 2 phiên kỹ thuật của Hội thảo chính sách “Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau” diễn ra ngày 8/8 ở Hà Nội.

Trực tiếp điều hành cả hai phiên kỹ thuật, ngoài các tham luận, TS Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đã đề nghị các đại biểu, đặc biệt là những phụ nữ DTTS có mặt tại đây mạnh dạn nói lên những suy nghĩ, mong muốn của mình bởi hơn ai hết họ là đối tượng chịu sự tác động của chính sách và cũng là những người biết đồng bào DTTS đang cần gì để thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Có thể nói, hội thảo đã tạo cơ hội để phụ nữ DTTS có tiếng nói chính thống, cùng với các căn cứ khoa học để đề xuất với Đảng, Nhà nước những chính sách cần điều chỉnh, bổ sung- góp phần giúp cuộc sống của người DTTS nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng bớt khổ và tốt đẹp hơn.

Tập trung cho giáo dục, hỗ trợ sinh kế

thanh-huong.jpg
TS Dương Thị Thanh Hương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "giáo dục tại chỗ" cho phụ nữ DTTS - Ảnh: A.H

 

Có mặt tại Hội thảo, TS Dương Thị Thanh Hương (Ban Nghiên cứu giáo dục dân tộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho biết, chị là người dân tộc Cao Lan (ở Tuyên Quang), là 1 trong số những phụ nữ DTTS may mắn không bị bỏ lại phía sau vì được đầu tư học hành. Từ thực tế và qua nghiên cứu, TS Thanh Hương đề xuất để giúp phụ nữ DTTS cần tập trung cho giáo dục tại chỗ. Cụ thể, bằng các chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ năng, dạy nghề…

“Đã có nhiều chương trình giúp phụ nữ từ không thành có nhưng để duy trì bền vững là cả chặng đường lâu dài. TƯ Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN địa phương… cần giúp phụ nữ thoát khỏi các rào cản, tạo cho họ nhu cầu, động lực để phát triển bản thân tốt nhất", chị chia sẻ.

Là người dân tộc Mông, bà Vừ Đào My, Hội LHPN tỉnh Điện Biên, kể, bà cũng may mắn là phụ nữ DTTS được sinh ra trong gia đình truyền thống, được đào tạo bài bản. Do đó, theo bà gốc tích của mọi vấn đề là trình độ học vấn, là nền tảng giáo dục.

“Tỷ lệ phụ nữ DTTS mù và tái mù rất nhiều. Không chỉ là mù chữ mà ngay cả giao tiếp đơn thuần họ cũng không thể nói. Nếu không có ngôn ngữ họ sẽ không có khả năng tiếp thu cũng như tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất trong việc giúp phụ nữ thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Cần nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm hơn đến hệ thống các trường dân tộc nội trú bởi khi có tri thức người phụ nữ có thể làm chủ cuộc sống của mình” - bà Vừ Đào My đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Liên, dân tộc Sê Đăng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum, lại trăn trở vì chính sách giảm nghèo cho phụ nữ được lồng ghép loáng thoáng trong các chương trình giảm nghèo, nông thôn mới. Chính sự manh mún, dàn trải trong thực hiện chính sách giảm nghèo đã khiến mục tiêu này khó thực hiện và không bền vững.

“Kon Tum là vùng trũng trong thực hiện chính sách giảm nghèo nhưng cũng có thể nói là nơi thành công trong việc tuyên truyền vận động, phát huy nội lực dù chính sách giảm nghèo, vay vốn… vẫn còn nhiều bất cập, chưa đi vào cuộc sống. Đó là việc thay vì tặng quà cho phụ nữ nghèo, chúng tôi đã chuyển sang hỗ trợ sinh kế, tặng cần câu để bà con có “cá”.

2 năm nay, chúng tôi đã thành lập được 4 tổ trồng sâm dây. Hiện tại, cung không đáp ứng được nhu cầu của thị trường vì sâm dây có hàm lượng cao gấp 6 lần sâm Hàn Quốc. Bà con thấy được giá trị kinh tế cao đã chuyển từ trồng lúa, trồng mì sang trồng sâm” - bà Liên dẫn chứng cho việc nếu nguồn vốn được đầu tư đúng sẽ thu lời.

 

nuoi-de.jpg
Các mô hình sinh kế đã giúp nhiều phụ nữ DTTS và gia đình thoát nghèo - Ảnh minh họa

 

Bà Liên cũng trăn trở khi đào tạo nghề cho phụ nữ DTTS trên báo cáo luôn đạt 100% kế hoạch nhưng tỷ lệ có việc làm sau khi học không cao. Hay những bất cập còn tồn tại như việc cung ứng con giống, cây giống; nhà nào cũng được phát khoai lang giống từ Đăk Nông nhưng không thể trồng được vì thổ nhưỡng không phù hợp, đất cằn và đất đồi không thể trồng khoai…

 

Từng bước xóa rào cản

Từng là Chủ tịch Hội LHPNVN nhiều năm, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, thẳng thắn chỉ ra, rào cản lớn nhất với phụ nữ DTTS là coi công tác phụ nữ không phải của phụ nữ. Muốn thay đổi, trước hết cần giúp phụ nữ hiểu họ phải làm cho chính bản thân mình.

“Phụ nữ khổ quá, không bao giờ thấy được hết giá trị của chính mình nên mới rơi vào cảnh tự ti, an phận. Để truyền cảm hứng cho phụ nữ DTTS thì không ai thuyết phục họ tốt bằng chính đồng bào của họ” - bà Thanh Hòa chia sẻ.

Bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý kỹ thuật chương trình Giới, Bảo vệ trẻ em và Hòa nhập, Tổ chức Plan, bày tỏ băn khoăn khi phải chứng kiến nạn tảo hôn ở rất nhiều vùng DTTS. Plan đã ghi hình một bản nghèo ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nơi không ai có khái niệm về ngày tháng hay tuổi của mình.

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên, cứ thích ai đó là có con với nhau rồi xin cha mẹ cho phép thành vợ thành chồng. Bọn trẻ chỉ 15-16 tuổi, thậm chí 13-14 tuổi đã lập gia đình, song ai cũng thấy đây là chuyện bình thường vì ở đây… ai cũng thế.

Chưa hết, ngoài tảo hôn, ở bản này còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống khi chỉ kết hôn với người trong bản, thường là anh em họ với nhau. Các bé gái thường tự sinh nên nhiều trường hợp qua đời vì đẻ khó.

 

te.jpg
Kết hôn trẻ em cũng là rào cản khiến phụ nữ DTTS rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo - Ảnh minh họa

 

“Kết hôn trẻ em cũng là rào cản khiến phụ nữ DTTS rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo. Do đó giải pháp cần phải thực hiện là: Cung cấp thông tin về hệ lụy của tảo hôn; Tạo ra các cơ hội thảo luận trong cộng đồng để thách thức các thực hành không tốt; Làm việc với em trai và nam giới; Giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới; Thay đổi quan niệm về vai trò của em gái và phụ nữ; Hỗ trợ các nhân tố tích cực thúc đẩy các quan niệm về giới; Quan điểm xã hội về quan hệ tình dục và kết hôn; Thúc đẩy truyền thông cộng đồng; Thúc đẩy các thay đổi trong gia đình; Hợp tác với già làng, trưởng bản” - bà Quỳnh Lan nêu các đề xuất nhằm hạn chế tình trạng kết hôn trẻ em đang tồn tại khá nhức nhối ở nhiều địa phương trong cả nước.

Chia sẻ tại hội thảo, chị Hà Thị Thắm, dân tộc Tày (Đà Bắc, Hòa Bình), mong có nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; trong khi vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp cận thông tin từ internet nên mong có thêm tờ rơi cho thanh thiếu niên, bà con về bạo lực gia đình, tảo hôn… “Tôi hy vọng, có những lớp dạy nghề, có đầu ra để phụ nữ DTTS có thể làm việc ngay tại địa phương, không phải đi làm ăn xa”.

Sáng mai (9/8), Hội thảo sẽ tiếp tục với phiên kỹ thuật thứ 3 bàn về sự tham gia của phụ nữ DTTS trong xây dựng, thực hiện chính sách.

* TS. Trần Thị Hồng, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới: Phụ nữ DTTS tham gia thực hiện phần lớn các công việc gia đình và là người chịu trách nhiệm chính các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình. Tìm hiểu về người làm chính các công việc gia đình không được trả công, trong số 21 loại hình công việc được liệt kê dựa trên định nghĩa về công việc không được trả công, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ “chỉ nữ giới” và “chủ yếu nữ giới” thực hiện khá cao (khoảng 90% trở lên) ở các công việc nội trợ, bao gồm: đi chợ, rửa bát, nấu ăn, giặt giũ quần áo, dọn nhà cửa và quản lý chi tiêu hàng ngày. Thời gian dành cho công việc gia đình không được trả công của phụ nữ DTTS cao gấp 1,8 lần so với nam giới DTTS.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn