Mối đe dọa từ cộng nghệ làm video dán mặt người này lên cơ thể người khác

07:00 | 07/09/2019;
Gần đây, công nghệ Deepfake khiến video không còn đáng tin cậy nữa đã xuất hiện. Nhờ công nghệ này, người ta có thể dán khuôn mặt người thật lên cơ thể người khác, tạo ra những video giả, được chỉnh sửa, bóp méo.

Theo Bách khoa thư mở (bản tiếng Anh) và trang tin Cơ khí phổ thông Mỹ (PMC), Deepfake là công nghệ mới, tổng hợp hình ảnh của con người dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), được sử dụng để kết hợp và chồng các hình ảnh và video hiện có lên các hình ảnh hoặc video nguồn bằng cách sử dụng một kỹ thuật được gọi là mạng đối nghịch chung (GAN). Nói cách khác, Deepfake là những video giả, được chỉnh sửa, bóp méo khiến chúng trông như thật nhờ sự hỗ trợ của AI, làm mờ đi ranh giới giữa thực và giả.

nh-chung-1.jpg
Deepfake khiến video không còn đáng tin cậy nữa

 

Cụ thể hơn, Deepfake là một chương trình cho phép người dùng hoán đổi khuôn mặt của một người trong video thành khuôn mặt của người khác, nên có thể hiểu là “giả toàn tập”. Ví dụ, nó tạo ra các nội dung khiêu dâm giả nhờ thủ thuật chèn khuôn mặt của những người nổi tiếng vào video khiêu dâm hay thay đổi các khuôn mặt của những chính khách để phục vụ cho mục đích tuyên truyền vụ lợi, hoặc xuyên tạc sự thật, tạo ra các thông tin sai lệch... Đặc biệt, các video “nét” đến mức không thể phát hiện ra khiến nhiều người cả tin nhưng sự thật không phải như vậy.

Một khía cạnh đáng sợ của Deepfake là nó rất thông dụng, ai cũng có thể làm được. Về cơ bản, Deepfakes được tạo bằng GAN. Nếu nhập vào số lượng lớn cảnh quay, chỉ trong một thời gian nhất định, GAN sẽ sao chép, tạo ra các video giả như thật.

Nhờ Deepfake người ta có thể cấy ghép các chi tiết vào một người phụ nữ, tạo ra được bức ảnh nhạy cảm chỉ bằng một cú nhấp chuột. Nhiều nhân vật nổi tiếng của Mỹ như cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, Tổng thống D.Trump và Chủ tịch Quốc hội Nancy Pelosi... từng là nạn nhân của Deepfake. Do đó, nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự lo ngại về việc lạm dụng công nghệ Deepfake có thể tạo ra các thông tin sai lệch và nguy hiểm.

Đầu năm 2018, trên mạng xã hội còn xuất hiện cả một ứng dụng mới có tên FakeApp, thực chất đây là công cụ dùng cho máy tính tạo Deepfake. Deepfake không chỉ giới hạn ở biểu cảm khuôn mặt, mà nó còn tạo ra một loạt chuyển động của cơ thể, đặc biệt là phần đầu nhờ AI nên nhân vật trên màn hình giả nhưng nhiều người lại cho đó là thật.

Deepfake bắt nguồn từ đâu?

Deepfake ra đời khi một người dùng ẩn danh trên Reddit, một trang web giải trí, dịch vụ giao tiếp xã hội, tin tức xã hội trực tuyến của Mỹ, nơi mà cộng đồng các thành viên đã đăng ký có thể gửi lên nhiều loại nội dung. Người này đã sử dụng công cụ học máy nguồn mở để tạo video trích xuất hình ảnh từ cơ sở dữ liệu công cộng như YouTube và Google Images, có liên quan đến những người nổi tiếng. Đó là những video được thay thế khuôn mặt khiêu dâm bằng khuôn mặt của những người nổi tiếng như Gal Gadot, Aubrey Plaza, Taylor Swift và Scarlett Johansson, nhờ các phần mềm chuyên nghiệp. Ngay sau khi các video DeepFake của người này đăng tải thì nhiều người đã học cách và tạo ra những video khác của riêng họ.

3.jpg
Deepfake không từ một ai, kể cả giới chính khách, người nổi tiếng

 

Từ đó, diễn đàn về Deepfake trở nên sôi động và nổi tiếng. Tuy nhiên, khi dư luận phản đối về cách hành sử vô đạo đức trên thì người dùng ẩn danh trên Reddit đã xuất hiện, cho rằng anh ta chỉ là một lập trình viên thích khám phá công nghệ và mọi công nghệ đều có thể bị lợi dụng với các động cơ không trong sáng.

Như đã đề cập, đầu năm 2018, trên mạng xã hội xuất hiện ứng dụng FakeApp. Khi FakeApp ra đời đã xuất hiện tới 15.000 người đăng ký, gọi là các Deepfakes, những người này đã truyền cảm hứng cho người khác, giống như bán hàng đa cấp. FakeApp đã “chống lưng” cho những người không phải lập trình viên tạo ra các video deepfake của riêng họ, khiến hình ảnh nhiều phụ nữ nổi tiếng bị lạm dụng.

Việc làm trên khiến ngành công nghiệp giải trí lo lắng, còn những người nổi tiếng thì phàn nàn quyền riêng tư bị xâm phạm trắng trợn, yêu cầu gỡ bỏ video có liên quan. Tuy nhiên, cuộc tranh cãi chưa thể ngã ngũ ngay vì các biện pháp pháp lý chưa theo kịp bước tiến của công nghệ.

Mặt tích cực và sự nguy hiểm của Deepfake

Giống như mọi đột phá khoa học tích cực, Deepfake cũng có những mặt tích cực của nó, trừ khi bị lợi dụng và trở thành “công nghệ độc ác”. Trong một cuộc phỏng vấn với Mashable, Dr.Louis-Philippe Morency, Giám đốc Phòng thí nghiệm MultiComp, ĐH Carnegie Mellon của Mỹ cho rằng, Deepfake rất hữu ích cho việc trị liệu PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương), đây là tình trạng tâm thần không ổn định bao gồm khủng hoảng, hồi hộp, trầm cảm do chấn động lớn xảy ra trong quá khứ gây ra.

4.jpg
Nhờ Deepfake, việc phân biệt chủng tộc, giới tính khi phỏng vấn việc làm được khắc phục

 

Cũng theo Dr. Morency, một lợi ích khác từ Deepfake là ứng dụng trong các cuộc phỏng vấn việc làm. Thông qua Deepfake, khuôn mặt thật của các ứng viên được che đi, nên rào cản như phân biệt chủng tộc hoặc giới tính có thể không còn là yếu tố đáng ngại nữa.

Ngoài những người nổi tiếng, có nhiều trường hợp là mục tiêu tấn công của Deepfake, nhất là việc trả thù, trong phỏng vấn tìm việc làm, để tống tiền... thậm chí cho cả mục tiêu xuyên tạc sự thật liên quan đến chính trị và sự sống còn của thể chế. Một trong những “bóng ma” nguy hiểm của Deepfake là nhắm vào lĩnh vực giải trí, đa phương tiện, xuyên tạc các nhân vật của công chúng. Ví dụ, cuộc phỏng vấn năm 2018 của nữ nghị sĩ, chính trị gia và nhà giáo dục người Mỹ Alexandria Ocasio Cortez bị cắt và ghép “biến dạng” khiến dư luận hiểu sai về những vấn đề đơn giản mà nữ nghị sĩ này đề cập trước công luận.

Làm thế nào phát hiện Deepfake?

Để đối phó với mặt trái của Deepfake, cộng đồng khoa học thế giới hiện đang vào cuộc và xem đây là cuộc chiến không của riêng ai. Mọi người cần trang bị cho bản thân kiến thức tối thiểu, đặc biệt là công nghệ tin học và xã hội, tự rèn luyện đôi mắt của mình để phân biệt giữa cảnh quay thực và cảnh rởm. Ví dụ, đối với Deepfake càng nhìn kỹ càng thấy nhiều điểm vô lý mà chính mắt người cũng hoài nghi, không thể chấp nhận được.

6-a.jpg
Deepfake liên tục thay đổi theo thời gian

 

Các nhà khoa học ví Deepfake là cơn bão đang xuất hiện ở phía đường chân trời và ráo riết vào cuộc để tìm ra giải pháp, hóa giải cơn bão này, bằng cách phát triển các công nghệ và chương trình mới. Ví dụ, hãng Fast Company đang hợp tác với Viện Khoa học Thông tin của Đại học Nam California (USC) Mỹ cho ra đời phần mềm mới, có thể phát hiện và gỡ lỗi với tỷ lệ chính xác 96%. Phần mềm của mới của USC chỉ cần đưa nội dung yêu cầu vào máy quét, tất cả thông tin sai lệch hay thông tin rởm sẽ tự động biến mất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia USC, tại thời điểm phần mềm này được nghiên cứu thì chính Deepfake do mang tính “sinh trắc học” nên không thể giải quyết một sớm một chiều, chúng đang “tiến hóa” với tốc rất nhanh, giống như virus gây nhiều bệnh nguy hiểm đang kháng lại nhiều loại thuốc hiện có.

Theo CNN, trong hơn một thế kỷ qua, con người thường tin tưởng tuyệt đối vào công nghệ âm thanh và video, xem đây là bằng chứng có thể tin cậy. Nhưng giờ đây với sự xuất hiện của Deepfake thì niềm tin nói trên đã bị phá vỡ, video thật sự không còn đáng tin cậy nữa. Vì lý do này, mọi người cần có nhận thức đúng đắn, “nghe bằng hai tai, nhìn bằng hai mắt” để nhận biết những điều không đúng do Deepfake tạo ra.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn