Cụ Nguyễn Thị Vị (hiện sống ở phố Hàng Giấy, Hà Nội) vốn người bên phố Hàng Gai. Cụ Vị sinh năm 1944, hai năm sau thì Hà Nội bị thực dân Pháp tạm chiếm (1946-1954), nên trong ký ức tuổi thơ của cụ Vị không phai mờ hình ảnh "người Tây mắt xanh mũi lõ đầy trên phố. Bố mẹ dặn không được đi chơi lung tung, nguy hiểm lắm".
Bước sang tuổi 80, cụ Nguyễn Thị Vị vẫn minh mẫn. Từ ngày nghỉ việc ở cơ quan nhà nước, cụ gắn bó với quán trà trên phố Hàng Giấy đến nay cũng đã được 3 thập kỉ. Một ngày giáp Chạp, tôi ghé quán trà của cụ Vị, cốt lân la trò chuyện với người già, kiếm tìm dăm ba câu chuyện cũ.
Rót cho tôi chén trà đặc quánh, nóng hổi, gật gù buông đôi mắt trải đời nhìn phố, giọng cụ sang sảng:
"Phố ngày xưa vắng lắm. Nhà thấp, người thưa, cuộc sống giản đơn. Hồi bé, tôi chỉ biết người Tây sống chung với ta, đi đầy trên phố. Bố mẹ dọa cấm đi lung tung, cẩn thận không bị "địch" bắt. Cũng có lúc nghe thấy người lớn nói chuyện với nhau nhắc đến Việt Minh, vệ quốc quân, dân quân tự vệ, quân giải phóng... Nghe thế, biết thế chứ tôi đã hiểu thế nào là "tạm chiếm", là kháng chiến, là giải phóng".
Câu chuyện cà kê lân sang Tết, mắt cụ Vị sáng lên: "Ối trời, đứa trẻ con nào chả thích Tết. Mong Tết, đếm Tết từng ngày. Nghèo thì nghèo nhưng thống Tết phải cắm hoa hồng đỏ trên bàn thờ, cắm hết Rằm tháng Giêng mới thôi.
Tết là phải có cành đào, cây quất và lọ hoa violet cắm lẫn với thược dược, điểm một vài bông dơn. Trong nhà mà không có cành đào và bình hoa violet với thược dược thì chẳng ra hồn Tết.
Còn mâm cỗ Tết ngày xưa của người Hà Nội, kiểu gì ngoài bánh chưng, gà, giò, nem cũng phải có bát canh măng, canh bóng, thịt đông. Tết xưa không đủ đầy, sang trọng như bây giờ nhưng thiêng liêng, rộn ràng lắm.
Cứ tầm 27 tháng Chạp, cả phố lục đục rửa lá, ngâm gạo, đãi đỗ, bắc bếp gói bánh chưng. Mùi bánh chưng thơm lừng cả phố. Người trên Quảng Bá, Nhật Tân mang quất, mang đào, mang hoa vào phố bán. Tết đến, Hà Nội như thay áo mới".
Bỗng nhớ ra điều đặc biệt, cụ Vị kể như reo: "Tết năm nào cũng thích nhưng vui nhất phải là cái Tết sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Năm ấy, tôi 11 tuổi. Tết năm 1955 Hà Nội hân hoan, vui sướng vô cùng. Cờ bay rợp trời, hoa khắp phố, người người sung sướng, nhà nhà hân hoan.
Bọn trẻ con chúng tôi năm ấy được đi chơi Tết ngoài phố thoải mái mà không bị người lớn cấm. Trước ai ra đường cũng sợ quân Pháp, lúc giải phóng rồi, thích đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Giao thừa năm ấy ở Bờ Hồ, người Hà Nội muôn hướng đổ về như nêm. Đẹp lắm. Sung sướng lắm. Đúng là Tết giải phóng, có ăn cháo cũng vui".
Với nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Đình Chính (SN 1946), Tết luôn là một phần cảm xúc quan trọng, gắn với những kí ức của ông về gia đình, đặc biệt là mẹ. Tác giả "Đêm thánh nhân" là con trai thứ hai trong số 3 người con của nhà văn Nguyễn Đình Thi và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga.
Những năm 1946-1954, nhà văn Nguyễn Đình Thi lúc bấy giờ là Tổng thư ký Hội Văn hoá cứu quốc, đồng thời là Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (tương đương Uỷ viên Thường vụ Quốc hội hiện nay - PV).
Hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức, nhà văn Nguyễn Đình Thi xung phong vào bộ đội và được bổ nhiệm làm Chính trị viên phó tiểu đoàn xung kích, thuộc một trung đoàn chủ lực độc lập trực thuộc Bộ tổng tư lệnh.
Bố lên đường theo kháng chiến, nhà văn Nguyễn Đình Chính khi ấy mới được gần 2 tháng tuổi, được mẹ bồng bế cùng người anh 2 tuổi, di tản lên Việt Bắc. Đến năm 1955, sau khi Hà Nội được giải phóng, Nguyễn Đình Chính mới được trở về Hà Nội sinh sống và học tập.
Chia sẻ ký ức Tết xưa, nhà văn Nguyễn Đình Chính chậm rãi: "Bây giờ ở tuổi này, mọi cái Tết đối với tôi đều rất vui. Chỉ có một cái Tết ám ảnh tôi mãi, đành cố quên đi để mà nhớ. Đó là cái Tết năm 1951 ở vùng tản cư, mẹ tôi đã mất đúng vào giao thừa tại bản Nà - Cóc, cách Tuyên Quang 80 cây số.
Năm ấy, tôi mới là cậu bé lên 5, chỉ biết khóc gọi mẹ và nhớ mẹ khôn nguôi những tháng năm sau đó. Giờ đây, mỗi khi Tết về, hoa cỏ mùa xuân thật đẹp, bầu trời mùa Xuân mưa bay mơ màng như một món quà thiên nhiên trao tặng con người, truyền thêm năng lượng để mà nhớ, mà yêu, mà đón nhận, chia sẻ với gia đình mình, với bạn bè những niềm vui mới.
Nói đến Hà Nội vào những ngày Tết, ta hay nói đó là một thành phố ngập tràn hoa đào và rộn ràng tiếng cười vui. Mỗi bước chân ta đi dường như bị níu lại bởi tiếng vui đùa rất thân thiện của ai đó quanh ta. Ánh mắt ta nhìn cũng dường như không mỏi bởi cái nhìn bí mật của những phố hè rợp bóng cây như trong rừng thẳm đại ngàn đang âm thầm trò chuyện cùng ta.
Tôi nhớ vào đúng giao thừa năm 1984 đã xa rồi, cha tôi - nhà văn Nguyễn Đình Thi - có đưa tôi ra hồ Gươm.
Ông đứng trầm ngâm, im lặng giữa đám đông người dân Hà Nội tíu tít náo nhiệt như trong lời bài hát "Người Hà Nội" bất hủ của ông. Đoạn ông móc ra một bao Cô-táp và hút liên tục điếu này nối điếu khác và ông kể cho tôi nghe chuyện tại sao ông sáng tác tráng ca "Người Hà Nội" - một tráng ca có lẽ sẽ được nhớ mãi. Rồi ông tới ngồi bên chiếc ghế đá cũ đã có vài vết nứt cạnh một thân cây sấu.
Ông ngồi rất lâu, nhìn mãi bóng tháp Rùa đang in xuống mặt hồ. Ông nghĩ gì? Hay ông đang nhớ tới những tháng ngày oanh liệt mà cũng đầy vất vả, hy sinh trong chục năm ông đã trải qua?! Còn với tôi - một người cầm bút viết văn - cảm xúc lớn nhất mỗi khi mùa Xuân về trên đất Hà Nội, tôi lại như nhận biết thêm thực thà với cuộc đời này, với mọi người và nhất là sự thực thà với mình là rất khó. Khó lắm, để cố cho cuộc đời mình không sống vô vị, hoài phí"
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn