"Một người chị quen có căn chung cư 80m2, hai phòng ngủ, không dùng đến nên muốn bán lại, giá tốt, ai cần thì liên hệ", đó là một nội dung quảng cáo trên trang cá nhân của anh Phạm Thành (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội). Với việc trang cá nhân có đông người theo dõi, anh Thành đã dễ dàng kết nối, giúp người bạn của mình bán nhà thành công.
Theo luật sư Ngô Thế Hiệp (Đoàn luật sư Hà Nội), thực tế, hành động kết nối giới thiệu nêu trên chính là hoạt động mà các môi giới bất động sản lâu nay vẫn làm để bán nhà. Trường hợp này, nếu anh Thành chỉ giúp đỡ mà không nhận khoản chi phí nào thì không vi phạm pháp luật nhưng nếu nhận một khoản tiền từ sự kết nối này thì đã vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản.
Điều 58 Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng;
quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, quy định phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng.
Tuy nhiên, luật sư Ngô Thế Hiệp cho rằng, rất khó để xử phạt bởi khó tìm hiểu được đằng sau việc này, người bán nhà sẽ tự nguyện cảm ơn hay giữa họ có thỏa thuận về khoản phí hoa hồng bán nhà.
Thực tế thời gian qua, mỗi khi có những "cơn sốt" đất cục bộ tại một địa phương hay một khu vực, sẽ lập tức xuất hiện "môi giới làng", là những người địa phương nắm rõ về các mảnh đất đang có nhu cầu bán. Đa số "môi giới làng" này không có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Ông Đặng Duy Linh, Giám đốc HomeUp, người có nhiều năm làm quản lý sản giao dịch bất động sản, cho biết, nghề môi giới bất động sản vẫn được xem là nghề dễ ra-vào. Khi thị trường ấm lên, nhiều môi giới nhảy vào, khi thị trường đi xuống, họ lại đi ra. Theo thống kê của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2021, có khoảng 300.000 môi giới hoạt động trên thị trường, trong đó chỉ 10% có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
Thời gian dịch bệnh Covid-19, thị trường nhà đất ảm đạm khiến số môi giới bỏ nghề ước tính tới 70%. Đầu năm nay, khi thị trường có dấu hiệu "ấm lên", có một lượng lớn môi giới bất động sản đã quay trở lại thị trường. Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ về lực lượng môi giới bất động sản.
Theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản 2023, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề và phải làm trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản, cho rằng, Luật kinh doanh bất động sản 2023 siết chặt hơn các quy định về nghề môi giới, buộc các môi giới phải có ý thức tuân thủ quy định chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp hơn.
Hiện tại, có nhiều đơn vị được phép đào tạo và tổ chức thi cấp chứng chỉ môi giới bất động sản. Theo khảo sát của phóng viên, chi phí để tham gia các khóa đào tạo này phổ biến ở mức từ 2 triệu đến 2,2 triệu đồng/khoá. Bà Nguyễn Việt Nga, đại diện một trung tâm đào tạo, cho biết, từ đầu năm 2024 tới nay, nhiều cá nhân đã đến trung tâm đăng ký học để thi lấy chứng chỉ môi giới bất động sản.
Một môi giới bất động sản tiết lộ: "Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản vẫn hay được dân môi giới gọi là "chứng chỉ 2 triệu rưỡi". Hầu như ai đăng ký học xong, thi đều đỗ nhưng vẫn có nhiều môi giới hoạt động tự do chưa tuân thủ quy định về chứng chỉ hành nghề".
Trước việc một số môi giới bất động sản "ngó lơ" quy định về chứng chỉ hành nghề, luật sư Ngô Thế Hiệp cảnh báo, thực tế, nhiều vụ tranh chấp khi thực hiện giao dịch bất động sản đã diễn ra.
Nếu môi giới không tuân thủ đầy đủ quy định của luật, không ký các hợp đồng môi giới rõ ràng và đảm bảo tính pháp lý sẽ không có cơ sở để giải quyết khi xảy ra tranh chấp và còn bị xử phạt vì môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn