Là con gái Hà Nội gốc, chị Trần Thanh Hà làm dâu quê lúa Thái Bình. Nhà chồng thuần nông lại đông anh em, có mỗi chồng chị Hà lập nghiệp ở Thủ đô, kinh tế khá giả nhất nên công to việc lớn trong nhà, anh chị phải cáng đáng phần nhiều.
Nhiều người tiếc cho chị Hà xinh xắn, giỏi giang, xuất thân con nhà khá giả, mà lại lấy chồng nhà quê, thành ra vất vả. Ấy là người ngoài nhìn vào bình luận vậy thôi, chứ chị Hà chẳng thấy khổ hay vất vả gì. Đúng là lấy chồng xa, nhà nghèo nên vợ chồng phải tự lực cánh sinh, nỗ lực gấp đôi, gấp ba để vượt lên hoàn cảnh.
"Con người, ai chẳng thích an nhàn, sung sướng nhưng suy cho cùng, có mấy ai chẳng phải làm gì, cứ ngồi hưởng sự giàu sang người khác mang lại đâu. Khi tôi xác định yêu và lấy anh ấy, tôi luôn sẵn sàng tinh thần "nhập gia tuỳ tục".
Thế nên, mỗi khi về quê chồng, cái gì không biết thì tôi hỏi bố mẹ, anh chị em nhà chồng; cái gì tôi có thể làm được thì tôi làm, không làm được thì tôi nhờ sự hỗ trợ của mọi người. Tôi cứ chân thành như thế, nên gia đình, họ hàng, làng xóm ở quê chồng tôi không xa cách mà rất gần gụi, quý tôi", chị Hà kể.
Có lẽ, chủ động đón nhận và sẵn sàng tâm thế "nhập gia tuỳ tục" nên từ những ngày đầu làm dâu, chị Hà luôn yêu quý và coi gia đình nhà chồng như gia đình mình. Chị sinh ra và lớn lên ở thành phố, không biết việc nhà nông nhưng mỗi khi có dịp về quê vài ngày, chị Hà luôn theo mẹ và các em chồng ra đồng.
Lúc đầu, mẹ chồng và các chị em chồng không cho chị ra ruộng vì "con gái Hà Nội biết gì mà làm, không quen nắng gió rồi lại ốm". Nhưng thấy nàng dâu thiện chí nên mẹ chồng không ngăn cản, còn tận tình giải thích cho con dâu từ khâu cày ruộng, làm đất đến cấy lúa, trồng khoai ra sao, thu hoạch như thế nào; tháng mấy cấy lúa chiêm, tháng nào cấy lúa mùa…
Những bài học vỡ lòng về nông nghiệp, chị Hà học hỏi được từ chính mẹ chồng. Có người khuyên, chị Hà không cần phải bận tâm đến việc đồng áng nhà chồng vì việc ai nấy làm. Song, cá nhân chị Hà lại cho rằng: "Chỉ là tôi muốn thấu hiểu hơn về tuổi thơ và công việc nhà nông mà chồng tôi từng trải qua. Khi có sự đồng cảm, vợ chồng sẽ gắn kết bền vững hơn".
Thương mẹ chồng cả đời chân lấm tay bùn, lo cho 4 người con trưởng thành, khi có của ăn của để, chị Hà luôn quan tâm đến bà bằng nhiều cách - khi thì biếu mẹ tấm khăn, bộ quần áo mới; lúc thì vài hộp thuốc bổ, lạng sâm để mẹ chồng tăng cường sức khoẻ.
Đặc biệt, chị thường dành thời gian đưa mẹ chồng đi thăm quan nhiều địa danh nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc. Được con dâu đưa đi đây đi đó, mẹ chồng chị Hà lấy làm tự hào lắm. Gặp ai bà cũng muốn kể, muốn khoe cô con dâu biết điều và hiếu thảo.
Không chỉ quan tâm đến mẹ chồng, với các bậc cao niên trong làng, cô dì chú bác lớn tuổi trong họ, chị Hà cũng dành sự đối đãi rộng rãi. Dẫu chẳng nhiều nhặn gì nhưng mỗi khi về quê, dịp lễ tết, chị Hà không quên biếu các cụ dăm chục, một trăm. Số tiền không lớn nhưng ai cũng nhớ tấm lòng thơm thảo của nàng dâu Hà Nội.
Thế nên, cứ mỗi khi biết tin chị về quê là họ hàng, làng xóm lại thi nhau người cho cân lạc, người yến gạo thơm, bó rau, quả mít… bắt chị phải mang lên Hà Nội, "không ăn hết thì chia làm quà cho bạn bè, đồng nghiệp".
Gần 20 năm làm dâu nhà quê, tự bao giờ hồn quê thấm sâu vào con người chị Hà, như lời chia sẻ của chị "đôi khi đi đâu xa, tôi nhớ quê chồng hơn cả nhớ Hà Nội". Nhìn vào cách ứng xử, đối đãi với gia đình bên chồng của chị Hà như vậy, cũng chẳng có gì lạ khi suốt bao năm qua, chị luôn được chồng yêu chiều đến thế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn