Tiếp tục phiên chất vấn về các vấn đề văn hóa xã hội, sáng 8/11, tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đặt câu hỏi, tại sao tiến hành xã hội hóa sách giáo khoa mà giá sách lại tăng.
Đại biểu cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản, các đơn vị sản xuất sách giáo khoa khác và tiến tới nhà nước không thu phí sách giáo khoa mà trợ cấp hoàn toàn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn lưu ý, với sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định về chuyên môn còn Bộ Tài chính duyệt giá trên cơ sở kê khai của các nhà xuất bản.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có biên soạn sách giáo khoa hay không, ông Sơn cho biết đã bày tỏ đầy đủ quan điểm về vấn đề này trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội tại Kỳ họp.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (trái) và Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Quan tâm đến vấn đề phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em, đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, hàng năm có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, tỷ lệ trường học có bể bơi còn thấp, việc dạy bơi chưa được đẩy mạnh. Đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp khắc phục để tăng tỷ lệ học sinh biết bơi theo chuẩn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, những năm trước đây, tính trong khu vực, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia về tỉ lệ trẻ em đuối nước. Từ sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo và tổ chức Hội nghị toàn quốc và có công điện trong đó giao nhiệm vụ chính cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo dạy bơi chống đuối nước trong trường học. Từ đó, 2 năm qua, tín hiệu đáng mừng là tỉ lệ trẻ em đuối nước giảm đi. Ước tính, mỗi năm giảm được 100 cháu bị đuối nước.
Về giải pháp dạy bơi trong trường học còn nhiều hạn chế nhưng qua kiểm tra và đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận thì Việt Nam có kết quả bước đầu nên cần tiếp tục khuyến khích thực hiện. Đồng thời, sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải pháp và bố trí nguồn lực và thiết bị cho trường học.
Còn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ năm 2021, Bộ đưa ra kế hoạch về hướng dẫn dạy bơi cho học sinh, chống đuối nước tại các trường học. Tới nay, tỷ lệ học sinh được học bơi, biết bơi là hơn 33%
Hiện cả nước có 2.184 trường có bể bơi trong trường học. Một số trường ngoài công lập có bể bơi, cơ chế tài chính cũng tốt hơn, nên đang làm tốt công tác này. Đối với trường công, việc sử dụng khai thác cơ sở vật chất này còn đang vướng mắc.
Nhiều trường học không có bể bơi để tập, nhiều trường có bể bơi nhưng không vận hành vì thiếu kinh phí.
"Vấn đề chính là kinh phí vận hành, quản lý bể bơi gặp vướng. Tới đây chúng tôi sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tìm cách tháo gỡ", Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho hay.
Tiếp đó, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp bố trí đủ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở, phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để đảm đương công tác này?
Về bố trí cán bộ chăm sóc trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tinh thần Nghị quyết của Quốc hội và Luật Bảo vệ trẻ em đã quy định rõ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 1 công chức cấp xã cho khối văn hóa xã hội, như vậy riêng về công tác trẻ em sẽ không có chuyên trách. Do đó, trong nhiệm vụ này cần đẩy mạnh tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, đoàn thể xã hội và đẩy mạnh sự quan tâm của gia đình, nhà trường và xã hội. Việc bố trí riêng cán bộ ở thời điểm này là chưa thể. Thực tế ở nhiều địa phương có bố trí cán bộ bán chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn