Mỗi năm người Việt tiêu thụ gần 5 tỷ gói mì ăn liền

15:49 | 22/11/2017;
Số liệu báo cáo mới đây của Hiệp hội mì ăn liền thế giới (WINA) cho thấy, nếu 2015 người Việt giảm lượng tiêu thụ mì ăn liền, thì từ 2016 thị trường này đã có dấu hiệu phục hồi, với 4,920 tỷ gói mì, tăng 2,5% so với năm trước đó.

Theo WINA, ước tính trung bình mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 52 gói mì/năm, tiếp tục duy trì vị trí là nước tiêu thụ mì gói lớn thứ 4 thế giới chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản. Quy mô thị trường mì gói ở Việt Nam vào khoảng 24.000 tỷ đồng, tương đương trên 1 tỷ USD.

2.jpg
Mì ăn liền luôn là một trong những mặt hàng chiếm nhiều diện tích nhất tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam

 

Trong gần 10 năm trở lại đây, mức độ tiêu thụ mì gói ở Việt Nam dao động không mạnh. Nếu năm 2010, cả nước tiêu thụ 4,8 tỷ gói mì, đến năm 2013 tiêu thụ mì gói lên đến đỉnh điểm với 5,2 tỷ gói mì được sử dụng, năm 2015 xuống 4,8 tỷ, nhưng đến năm 2016 con số này lại “nhích” lên với 4,920 tỷ gói và duy trì đà tăng trưởng cho đến những tháng cuối năm 2017.

Theo WINA, sở dĩ thị trường mì Việt có dấu hiệu phục hồi là do chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn. Với hơn 50 doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền trên cả nước, hàng trăm nhãn hiệu đang có mặt trên thị trường, nhưng có thể coi cuộc cạnh tranh chủ yếu chỉ diễn ra giữa 3 “đại gia” là Acecook Việt Nam (doanh nghiệp của Nhật Bản), Masan Consumer và Asia Foods, chiếm khoảng 70% thị phần mì ăn liền Việt Nam.

3.jpg
Mì ăn liền là món ăn "dã chiến" que thuộc nhất đối với đa số người Việt hiện nay

 

Hiện nay các nhãn hàng mì gói chia thành nhiều phân khúc là thấp cấp, trung cấp và cao cấp để thích hợp với từng thị trường ở nông thôn, thành thị. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có sản phẩm tham gia vào các phân khúc với những sản phẩm đại diện. Thời gian gần đây, Acecook Việt Nam đang cố gắng chiếm lĩnh thị phần lớn hơn con số trên dưới 45% hiện nay, với việc liên tục cho ra đời các sản phẩm mới cao cấp, nhiều hương vị “lạ” đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Nhiều loại mì ăn liền nhập khẩu cũng góp phần tạo cho thị trường thêm phong phú, sôi động.

4.jpg
Ngày càng nhiều loại mì ăn liền nhập khẩu thâm nhập vào thị trường Việt Nam

 

Xác nhận thị trường mì gói Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, cho biết, từ năm 2016 cho đến nửa 2017 doanh thu các sản phẩm mì ăn liền của công ty tăng dao động 5-20%. Trong khi đó, Masan Consumer và Asia Foods đều trong giai đoạn suy giảm về lượng hàng bán ra và chưa có dấu hiệu phục hồi.

Thị trường mì ăn liền Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng tốc độ còn khá chậm. Đây cũng là tình trạng chung của thị trường thế giới, khi mà sản lượng tiêu thụ loại lương thực này vẫn đang trên đà đi xuống.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn