PGS.TS.Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K TƯ cho biết, bệnh ung thư đang là một trong những gánh nặng y tế toàn cầu, với khoảng 23 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó mỗi năm có hơn 14,1 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong.
Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 189.000 ca vào 2020. Trung bình, mỗi năm cả nước có hơn 94.000 người chết vì ung thư, tương ứng 257 người/ngày.
TS Thuấn cho biết, các kỹ thuật điều trị ung thư của Việt Nam rất tiến bộ, hiện đại, nhưng tỉ lệ điều trị khỏi còn thấp so với thế giới bởi 2/3 số bệnh nhân ung thư đến viện khám ở giai đoạn muộn. Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và mọi ngành nghề khác nhau.
Cũng theo PGS. TS Trần Văn Thuấn, thuốc lá là nguyên nhân gây nên 30% bệnh ung thư, điển hình là ung thư phổi và ung thư vòm họng; có 30% bệnh nhân bị ung thư do ăn thực phẩm có chứa chất bảo quản; từ 5% đến 10% các bệnh ung thư liên quan đến yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, các loại virus, thuốc trừ sâu, người làm việc trong môi trường độc hại cũng có nguy cơ mắc ung thư cao.
Để phòng chống bệnh ung thư hiệu quả, PGS.TS. Trần Văn Thuấn khuyến cáo với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo.
Ngoài ra theo ông Thuấn, mọi người nên giữ cân nặng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Trường hợp người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo rằng đây là một chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng. Nếu người bệnh không được cung cấp đủ năng lượng sẽ dẫn đến gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được các phương thức điều trị ung thư đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời.