Theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính tại Việt Nam, mỗi năm có 170.000 ca mắc mới (Báo cáo Tổ chức Y tế Thế giới-WHO năm 2020).
So với COVID-19, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao nguy hiểm hơn nhiều vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Trong số những người mắc lao, 63% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc cùng gia đình phải đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
PGS. TS Nhung cho biết, bệnh lao tại Việt Nam không chỉ xảy ra và tập trung ở một vài địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc... mà ở tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước đều có người mắc lao và tử vong do lao.
Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện. Một trong những nguyên nhân là do vẫn còn tồn tại sự mặc cảm của người bệnh, sự kỳ thị của xã hội đối với người bệnh lao.
Trên thực tế, những người tử vong do lao chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, Chương trình Chống lao quốc gia đã điều trị hơn 100.000 bệnh nhân mỗi năm, số người tử vong khi đã được phát hiện và điều trị chỉ là hơn 2.000 người.
Thời gian qua, Chương trình Chống lao quốc gia tích cực triển khai các biện pháp hạn chế sự lây lan của bệnh lao. Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao. Ủy ban có nhiệm vụ giúp Thủ tướng chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của cộng đồng trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao tại Việt nam vào năm 2030.
Trong cuộc chiến chấm dứt bệnh lao, theo PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, một lực lượng quan trọng là phụ nữ trong mỗi gia đình. Chương trình Chống lao Quốc gia đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Hội Phổi Việt Nam đã thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên phụ nữ Việt Nam trong toàn quốc. Đồng thời, Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao.
Hiện Việt Nam vẫn có trên 20.000 người mắc lao chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Kinh phí đồng chi trả của người có thẻ bảo hiểm y tế cũng sẽ là gánh nặng lớn đối với những người điều kiện kinh tế khó khăn. Đây là một rào cản khiến họ không tuân thủ theo phác đồ dẫn đến bỏ điều trị và nguy cơ kháng thuốc cao. Có nhiều trường hợp vì sợ phát hiện ra bệnh, phải mất tiền điều trị nên giấu bệnh, làm nguồn lây kéo dài. Vì thế, Quỹ PASTB đã ra đời nhằm hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người bệnh lao chưa có thẻ; giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để mọi người dân đều được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.
Đến hết tháng 12/2020, Quỹ đã hỗ trợ cho 2.560 lượt người bệnh với tổng số tiền lên tới hơn 5,7 tỷ đồng. Trong đó riêng năm 2020, Quỹ hỗ trợ cho 1.441 lượt người bệnh tương đương với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, kêu gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm đóng góp được 1,3 tỷ đồng.
Nhân Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2021, Quỹ PASTB ra mắt Cổng thông tin điện tử với tên miền http://quypastb.vn/ nhằm tạo thuận tiện cho người bệnh, các nhà hảo tâm có thể tìm hiểu rõ hơn về bệnh lao, truyền thông cập nhật thêm các thông tin, hoàn cảnh về bệnh lao cần được trợ giúp, các hoạt động của Quỹ. Đây sẽ là địa chỉ tin cậy kết nối người bệnh tới các cá nhân, tổ chức thiện nguyện, nhằm giúp đỡ những người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng tiếp cận được với các nguồn trợ giúp cũng như có thêm động lực vượt qua được mặc cảm về bệnh và kiên trì chữa bệnh.
Với mong muốn, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB: Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 22/3/2021 đến 24h00 ngày 21/5/2021. Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn