Mỗi người dân phải có một thẻ an sinh xã hội vào năm 2020

16:50 | 15/01/2019;
Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định phấn đấu đến năm 2020, từng bước mỗi người dân phải có một thẻ an sinh xã hội điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tích hợp các loại giấy tờ công dân khác như số hưởng trợ cấp, thẻ BHYT, sổ BHXH, mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan.

Tại hội nghị tổng kết công tác trợ giúp xã hội năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019 của Cục Bảo trợ xã hội chiều 14/1, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo cho mỗi người ở đối tượng cần bảo trợ thì được chăm lo với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các chủ trương chính sách với các đối tượng bảo trợ và phúc lợi xã hội đến đúng, đủ, kịp thời với người thụ hưởng.

Bước sang năm 2019, ông Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Bảo trợ xây dựng Bộ chiến lược an sinh xã hội của ngành 10 năm. Chiến lược phải có tầm nhìn dài hơi, gắn với chiến lược phát triển kinh tế một cách hài hòa, toàn diện; trong đó cần tập trung cho công tác thể chế.

Cạnh đó, Trưởng ngành lao động, thương binh và xã hội nhấn mạnh: “Dứt khoát phấn đấu đến năm 2020, từng bước mỗi người dân phải có một thẻ an sinh” – thực hiện theo Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng CNTT vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” (Đề án 708).

Theo đó, Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý cấp số và thẻ an sinh xã hội điện tử; xây dựng số an sinh xã hội duy nhất đối với mỗi người dân, bảo đảm kết nối với mã số định danh công dân, nhằm quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội.

Việc phát triển thẻ an sinh xã hội điện tử để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý các chính sách trợ giúp xã hội, hộ nghèo, người có công, BHTN, BHXH, BHYT. Từng bước kết nối cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tích hợp các loại giấy tờ công dân khác như: số hưởng trợ cấp, thẻ BHYT, sổ BHXH, mã số thuế cá nhân và các giấy tờ khác có liên quan.

images1300856_bac_si_quan_ly_ho_so_benh_nhan_tren_phan_mem_vnpt_his.jpg
Năm 2020, mỗi người dân có 1 thẻ an sinh xã hội điện tử tích hợp các loại giấy tờ công dân khác như số hưởng trợ cấp, thẻ BHYT, sổ BHXH, mã số thuế cá nhân. Ảnh minh họa

 

Bên cạnh đó, thực tế đang diễn ra là còn 4,6% người già trên cả nước chưa có BHYT, nhưng lại tập trung chủ yếu ở các tỉnh, địa phương có kinh tế phát triển, chứ không phải ở các vùng khó khăn.

Theo đó, ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Phấn đấu bằng mọi giá làm việc với các địa phương, bằng nhiều giải pháp để đến 2020 xóa được con số 4,6% người già chưa có thẻ BHYT”, nhằm đảm bảo an sinh cho người cao tuổi, người yếu thế có cuộc sống bền vững hơn…

Về công tác trợ giúp xã hội, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, cho biết: Năm 2018, cả nước đã xảy ra 9 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới, 18 trận lũ quét… Thiên tai đã làm 224 người chết và mất tích; 1.987 nhà bị đổ, sập, trôi. Tổng thiệt hại ước tính trên 7.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 9/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ gần 6.000 tấn gạo cứu đói cho gần 43 ngàn hộ, gần 200 ngàn người bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2018.

Đến nay, cả nước đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 2,9 triệu người, trong đó gần 43 ngàn  trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 1,6 triệu người cao tuổi; 1triệu người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và hơn 172 ngàn đối tượng khác.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn