Chương trình nhằm cung cấp, trao đổi thông tin các hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay, đặc biệt trong xử lý chất thải rắn, chia sẻ các cách làm, kinh nghiệm của cán bộ, hội viên và Hội LHPN các cấp trong bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia (2019) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực đô thị chiếm 55% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của cả nước. Đây là hệ quả của quá trình tăng dân số, kết hợp với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng.
Bên cạnh đó, 85% lượng rác thải hiện nay tại nước ta đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí, nhất là tại các thành phố lớn. Phần lớn các bãi chôn lấp hiện tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, trong đó rác hữu cơ chiếm lượng lớn. Nếu đem chôn lấp hoặc đốt rác thải sẽ lãng phí từ 55% - 67% các sinh khối và chất hữu cơ. Rác thải sinh hoạt đang ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân và tăng trưởng kinh tế của đất nước. Dù đã có nhiều giải pháp được thực hiện nhưng bài toán thu gom, xử lý rác thải vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - chia sẻ: Với trách nhiệm của mình, nhiều năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động phong phú, sâu rộng để vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả, đặc biệt thông qua cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào "Chống rác thải nhựa".
Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo tại các địa phương được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng như: "Phân loại rác thải, tích lũy ve chai tạo quỹ nhân ái"; "Chi hội phụ nữ thực hiện tiết kiệm xanh", "Mỗi hố rác, một cây xanh"; phong trào "Nói không với túi nylon sử dụng một lần" và "Chống rác thải nhựa" đã được các cấp Hội lồng ghép tuyên truyền trong nội dung sinh hoạt chi, tổ Hội nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, cộng đồng, khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.
Những hoạt động, phong trào này đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; hình thành ý thức trách nhiệm, hành vi sống thân thiện với môi trường góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững đất nước".
Để những hành động bảo vệ môi trường trở thành thói quen, thành nếp sống văn hóa của xã hội, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hoạt động sinh hoạt chi/tổ Hội để nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ trong bảo vệ môi trường nói chung và công tác phân loại, thu gom, tái chế rác thải nói riêng; đồng thời xây dựng các mô hình cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, đóng góp, đề xuất chính sách phù hợp giúp phụ nữ tham gia hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường.
Với chủ đề Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 - "Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn", Liên hợp quốc kêu gọi, khuyến khích các hoạt động, phong trào vì môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên.
Diễn đàn "Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường" hy vọng sẽ nhận được những thông tin trao đổi, chia sẻ hữu ích, thiết thực của các đại biểu về thực trạng và các giải pháp thực hiện hiệu quả việc thu gom, phân loại rác và xử lý chất thải sinh hoạt, đưa ra những sáng kiến, giải pháp hiệu quả góp phần phát huy vai trò quan trọng của các cấp Hội và hội viên, phụ nữ trong các chiến dịch góp phần làm cho môi trường xung quanh xanh - sạch - đẹp hơn.
"Tôi mong rằng mỗi hội viên, phụ nữ cũng như mỗi người dân tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại gia đình và cộng đồng; tăng cường các hoạt động làm sạch môi trường; thực hiện phân loại rác tại nguồn; tái sử dụng, thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nylon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Mỗi hội viên, phụ nữ sẽ tiếp tục tích cực thực hiện và vận động gia đình, người thân tự giác thu góm rác tại các khu du lịch, dùng bao gói thân thiện với môi trường trong kinh doanh các dịch vụ bán hàng, khuyến khích khách du lịch sử dụng bao gói dùng nhiều lần… để góp phần xây dựng Ninh Bình phát triển du lịch xanh, bền vững. Mỗi người dân, mỗi hội viên, phụ nữ hãy là một hướng dẫn viên du lịch, là tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường" - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bày tỏ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn