Chứng tăng áp lực động mạch phổi hay còn gọi là tăng áp động mạch phổi, có mối quan hệ mật thiết với cao huyết áp (tăng huyết áp). Cụ thể đây là một biến chứng của bệnh tăng huyết áp và ngược lại.
Tăng áp lực động mạch phổi là bệnh lý ngày càng hay gặp, thuộc nhóm bệnh tăng áp lực mạch phổi nói chung. Đặc trưng cho bệnh lý này là sự tăng áp lực diễn ra tại các động mạch của phổi - con đường dẫn máu từ tim đến phổi trước khi chia nhỏ thành các mao mạch tại phổi và thực hiện trao đổi khí.
Đây được coi là hậu quả của sự phối hợp của các vấn đề bao gồm tăng áp lực mạch phổi (áp lực mạch phổi trung bình lớn hơn 25mmHg) và tăng sức cản của các mạch máu phổi.
Trên thực tế Tăng áp lực động mạch phổi là căn bệnh hết sức nguy hiểm, nếu bệnh được phát hiện trễ thì có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng khác nhau, đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Những biến chứng do tăng áp lực động mạch phổi gây ra có thể kể đến như:
- Suy tim phải do tăng áp lực động mạch phổi là một biến chứng nặng của bệnh. Nếu có biến chứng này xảy ra thì tiên lượng bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
- Sự thay đổi cấu trúc của buồng tim có thể gây nên tình trạng rối loạn nhịp tim, thậm chí gây nên rung nhĩ, cuồng nhĩ ở người bệnh.
- Tổn thương động mạch phổi tạo nên các cục huyết khối, các cục huyết khối lớn hình thành có thể làm thuyên tắc một mạch máu lớn của phổi và khiến người bệnh tử vong.
- Áp lực quá cao trong lòng mạch khi bệnh nhân bị tăng áp lực động mạch phổi có thể khiến các mạch máu trong phổi vỡ ra. Nếu như các mạch máu lớn bị vỡ thì có thể gây nên ho ra máu sét đánh và khiến bệnh nhân tử vong do mất máu và suy hô hấp.
Trên thực tế, có khá nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau được cho có thể là nguyên nhân dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi trên người bệnh. Các nhóm nguyên nhân gây tăng áp lực động mạch phổi thường gặp nhất bao gồm:
- Thuyên tắc động mạch phổi mãn tính
- Có các bệnh lý tim mạch do mắc phải hoặc do bẩm sinh như các bệnh van tim, suy tim, bệnh lý cơ tim, bệnh lý hẹp tĩnh mạch phổi,...
- Các bệnh lý rối loạn chức năng thất trái
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa (thường gặp trong xơ gan)
- Một số bệnh lý tại phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), bệnh phổi kẽ, hoặc các bệnh phổi đang tiến triển khác,...
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- Nhiễm HIV
- Mang tính di truyền do đột biến gen, điển hình là đột biến gen EIF2AK4
- Mắc một số bệnh lý mô liên kết, hoặc một số bệnh lý tự miễn dịch như lupus ban đỏ, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp,...
- Tăng áp lực động mạch phổi do thuốc, phóng xạ, hóa chất,...
Tuy rằng đã có nhiều tiến bộ về hiểu biết đối với bệnh lý tăng áp lực động mạch phổi, nhưng vẫn có những trường hợp tăng áp lực động mạch phổi xảy ra mà không thể xác định được nguyên nhân gây bệnh là gì. Những trường hợp này được gọi là tăng áp lực động mạch phổi vô căn.
Chúng ta cần biết rằng, tăng huyết áp là tình trạng tăng áp lực dòng máu trong vòng đại tuần hoàn (vòng tuần hoàn bắt đầu từ tâm thất trái và kết thúc ở tâm nhĩ phải), còn tăng áp động lực động mạch phổi là sự tăng áp lực dòng máu trong vòng tiểu tuần hoàn (vòng tuần hoàn bắt đầu từ tâm thất phải và kết thúc ở tâm nhĩ trái). Hai tình trạng bệnh lý này có mối liên hệ tương đối mật thiết với nhau.
Khi một bệnh nhân bị tăng huyết áp do các nguyên nhân khác nhau, hậu quả mà nó gây ra chính là khiến tâm thất trái phải tăng cường co bóp nhiều hơn và các tế bào cơ tim bị phì đại để đẩy máu đi trong lòng mạch, đảm bảo tưới máu cho các cơ quan trong cơ thể.
Thời gian đầu, tuy rằng tâm thất trái tăng hoạt động nhưng khả năng bù trừ của tim còn tốt nên không gây sự ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, khi tăng huyết áp kéo dài dẫn đến tim trái không còn khả năng bù trừ thì các rối loạn về chức năng thất trái sẽ xảy ra bao gồm cả rối loạn về chức năng tâm thu và tâm trương của thất trái. Hậu quả là gây nên tình trạng suy tim trái ở bệnh nhân.
Suy tim trái ở bệnh nhân khiến khả năng tống máu của buồng tim trái giảm xuống, máu bị ứ đọng lại ở vòng tiểu tuần hoàn và gây nên tăng áp lực động mạch phổi. Ngược lại, tăng áp lực động mạch phổi khiến cho chức năng tâm thất phải rối loạn, về lâu dài cũng có thể gây suy thất trái với cơ chế tương tự như trên.
Về mặt triệu chứng, tăng áp lực động mạch phổi thường xuất hiện rất âm thầm và hầu như không có bất kỳ biểu hiện gì khi nó mới xuất hiện. Bệnh sẽ tiến triển từ từ theo thời gian và hầu hết trường hợp sẽ cần khoảng 2 năm kể từ lúc bệnh khởi phát để có thể biểu hiện các triệu chứng đủ nặng nề, thôi thúc người bệnh đi khám và được chẩn đoán.
Vì thế, các bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi thường chỉ đến thăm khám và bắt đầu điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn tương đối muộn.
- Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi
- Đau tức ngực rất thường hay gặp phải
- Khó thở khi người bệnh gắng sức
- Đánh trống ngực
- Mắt cá chân bị phù.
Thông thường, các triệu chứng như đau tức ngực, mệt mỏi, khó thở, đánh trống ngực ở giai đoạn đầu đều sẽ chỉ biểu hiện khi người bệnh thực hiện các hoạt động gắng sức. Do đó, nếu những triệu chứng này xuất hiện kể cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy tình trạng nặng của bệnh.
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, tăng áp lực động mạch phổi ở bệnh nhân còn có thể được thể hiện thông qua kết quả của nhiều xét nghiệm khác nhau. Một số xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán tăng áp lực động mạch phổi bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu như xét nghiệm huyết học, hormone tuyến giáp, xét nghiệm huyết thanh tìm các yếu tố liên quan đến các bệnh lý tự miễn, xét nghiệm HIV, xét nghiệm các dấu ấn về bệnh lý gan,... có thể được đặt ra để tầm soát các vấn đề có thể là nguyên nhân thúc đẩy tăng áp lực động mạch phổi xuất hiện.
- Điện tâm đồ: Điện tâm đồ là cận lâm sàng có giá trinh trong chẩn đoán tăng áp lực động mạch phổi, đặc trưng bởi hình ảnh giãn tâm nhĩ phải, phì đại tâm thất phải, tăng gánh thất phải,.. Trong những trường hợp nặng, có thể bắt gặp cả những rối loạn nhịp như rung nhĩ, cuồng nhĩ,...
- X- Quang: X-Quang được xem là một cận lâm sàng thường quy khi nghi ngờ tăng áp lực động mạch phổi. Nó có thể biểu hiện bằng hình ảnh giãn động mạch phổi trung tâm, cắt cụt mạch phổi ngoại vi, cung động mạch phổi nổi rõ, mỏm tim có thể lệch trái do các buồng tim phải giãn rộng,... Nếu các hình ảnh trên phim chụp Xquang không rõ ràng, bệnh nhân có thể được chỉ định chụp CT-Scanner để đánh giá thêm.
- Siêu âm tim: Thông qua siêu âm tim, người ta có thể đánh giá được chỉ số áp lực trong động mạch phổi từ đó hỗ trợ tích cực cho chẩn đoán tăng áp lực động mạch phổi.
- Thông tim phải: Chỉ số áp lực động mạch phổi tăng khi tiến hành thông tim phải là cơ sở để có thể chẩn đoán xác định bệnh nhân bị tăng áp lực động mạch phổi. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thông tim phải, người ta sẽ thực hiện test kiểm tra đáp sự đáp ứng của động mạch phổi với các loại thuốc giãn mạch. Kiểm tra này giúp ích nhiều cho việc lựa chọn loại thuốc điều trị tăng áp lực động mạch phổi về sau.
- Bài kiểm tra đi bộ: Một bài kiểm tra đi bộ kéo dài khoảng 6 phút với quãng đường nhỏ hơn 320m có thể được đề ra cho bệnh nhân. Sau khi thực hiện bài đi bộ với thời gian và khoảng cách quy định thì bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá mức độ oxy trong máu của bệnh nhân.
Trên thực tế, để đánh giá bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi dễ dàng hơn thì người ta thường dựa trên các biểu hiện lâm sàng như mệt, khó thở, đau ngực,... Hiện nay, các bác sĩ thường sử dụng thang phân độ tăng áp động mạch phổi do WHO đề ra để đánh giá và phân loại bệnh nhân.
- Mức độ 1: Bệnh lý không gây ảnh hưởng đến khả năng gắng sức của bệnh nhân. Các hoạt động thường ngày không khiến bệnh nhân bị khó thở, đau ngực, mệt.
- Mức độ 2: Bệnh nhân giới hạn nhẹ về khả năng gắng sức. Các hoạt động thông thường có thể gây mệt, đau ngực, khó thở nhưng những triệu chứng này sẽ mất đi khi nghỉ.
- Mức độ 3: Khả năng gắng sức bị giới hạn nhiều. Các triệu chứng không xuất hiện khi nghỉ, nhưng dễ dàng xuất hiện hơn khi thực hiện hoạt động hằng ngày so với mức độ 2.
- Mức độ 4: Các triệu chứng mệt, khó thở, đau ngực xuất hiện cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi và có thể xuất hiện biểu hiện của suy tim phải.
Do có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, vì vậy vấn đề điều trị cho bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi cần phải được đặt ra sớm để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Ngày nay, để điều trị bệnh tăng áp lực động mạch phổi thì bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị bảo tồn bằng thuốc hoặc điều trị bằng can thiệp phẫu thuật nếu cần thiết.
- Thay đổi lối sống: Thay đổi lối sống là nội dung quan trọng trong điều trị tăng áp lực động mạch phổi. Các bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi được khuyên nên hạn chế các hoạt động thể lực gắng sức, thay đổi môi trường sống nếu đang sống ở trên khu vực có độ cao lớn, có chế độ ăn uống hợp lý,...
- Oxi liệu pháp: Trong trường hợp bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi bị suy hô hấp hoặc khó thở nhiều thì Oxi liệu pháp có thể được sử dụng để giúp bệnh nhân cải thiện nồng độ Oxi trong máu.
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu khiến cho thể tích trong lòng mạch bị giảm xuống do đó giảm áp lực lên hệ mạch máu. Vì vậy, các loại thuốc lợi tiểu có thể được dùng để điều trị tăng áp lực động mạch phổi cho bệnh nhân.
- Thuốc kháng đông: Nếu bệnh nhân bị tăng áp lực động mạch phổi có thuyên tắc động mạch phổi mãn tính thì các bác sĩ sẽ có thể xem xét sử dụng thuốc kháng đông trong điều trị. Nhưng trong quá trình sử dụng thuốc kháng đông thì cần phải đánh giá thường xuyên nguy cơ xuất huyết để xử trí kịp thời.
- Thuốc giãn mạch: Các loại thuốc giãn mạch là một nội dung quan trọng trong điều trị tăng áp lực động mạch phổi. Vấn đề lựa chọn loại thuốc phù hợp tốt nhất cần phải dựa theo kết quả của test giãn mạch khi thực hiện thông tim phải. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp người ta thấy rằng bệnh nhân có đáp ứng tốt với thuốc chẹn kênh Calci, nên loại thuốc này được dùng rất phổ biến trong điều trị bệnh tăng áp lực động mạch phổi.
Ngoài sử dụng thuốc chẹn kênh Calci thì người ta còn có thể sử dụng thêm một số loại thuốc khác để điều trị tăng áp lực động mạch phổi, chẳng hạn như Ambrisentan, Bosentan, Sildenafil, Tadalafil, Riociguat, Iloprost, Beraprostd, Treprostinil,...
- Phẫu thuật điều trị: Bên ngoài việc sử dụng thuốc, tăng áp lực động mạch phổi còn có thể điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật. Các loại phẫu thuật chính có thể được chỉ định trong điều trị tăng áp lực động mạch phổi hiện nay kể đến như bóc nội mạc động mạch phổi, phá vách ngăn nhĩ, đặt dụng cụ hỗ trợ thất phải, hoặc ghép tim, ghép phổi,...
Nhưng việc sử dụng các phương pháp phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân tăng áp lực động mạch phổi vẫn còn rất hạn chế. Chúng chủ yếu thường được dùng cho các trường hợp bệnh nhân nặng, không đáp ứng với điều trị bảo tồn,...
Cho đến hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ phương pháp nào được chứng minh rằng có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh lý tăng áp lực động mạch phổi. Vì vậy, khi được chẩn đoán mắc bệnh tăng áp lực động mạch phổi thì bệnh nhân sẽ phải sống chung với bệnh suốt đời.
Tuy nhiên điều đáng mừng chính là, mặc dù chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh nhưng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát hiệu quả sự tiến triển của bệnh nếu thực hiện điều trị sớm và đúng đắn. Đặc biệt, việc sử dụng các loại thuốc giãn mạch trong điều trị tăng áp lực động mạch phổi đã được chứng minh rằng có khả năng làm cải thiện đáng kể tiên lượng sống của bệnh nhân.
Nên vấn đề quan trọng đối với bệnh tăng áp lực động mạch phổi đó chính là người bệnh phải phát hiện được bệnh sớm và thực hiện điều trị đúng đắn để kiểm soát bệnh, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
Qua đây ta thấy rằng, tăng áp lực động mạch phổi là bệnh lý có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng lại xuất hiện rất âm thầm và tiến triển lặng lẽ. Vì vậy, người bệnh cần thường xuyên thực hiện tầm soát để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn