Mối tình bất tử trong 'vụ án gián điệp nguyên tử' Rosenberg

10:00 | 16/06/2019;
Năm 1945, Mỹ đã đem quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật. Sự kiện này không chỉ kết thúc thế chiến thứ hai gây thảm họa kinh hoàng cho nhân loại mà còn khiến con người thực sự cảm nhận được mức độ tàn sát khốc liệt của một loại vũ khí mới. Kể từ đó, sức mạnh hạt nhân trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá địa vị của một quốc gia trên trường quốc tế.

Tháng 9/1949, Liên Xô (cũ) thử nghiệm thành công bom nguyên tử khiến Mỹ “đứng ngồi không yên”. Câu hỏi lớn được đặt ra với Nhà Trắng là tại sao Liên Xô có được công nghệ chế tạo bom nguyên tử? Từ đó, một vòng vây vô hình được bủa ra rồi khép chặt dần và kết thúc là bản án tử hình đối với vợ chồng Rosenberg với tội danh gián điệp. Hơn 50 năm qua, “vụ án gián điệp bom nguyên tử Rosenberg” luôn thu hút sự quan tâm của thế giới.

 

julius_and_ethel_rosenberg_trong-trai-giam.jpg
Julius và Ethel Rosenberg trong trại giam

 

Chấn động thế giới

Đầu mối ban đầu để Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) lần ra vợ chồng Rosenberg bắt đầu từ kiều dân gốc Đức Klaus Fuchs. Là một tiến sĩ về vật lý trực tiếp làm việc tại trung tâm nghiên cứu năng lượng nguyên tử của Đại học California, Klaus Fuchs có khả năng tiếp cận với nhiều tài liệu bí mật về việc nghiên cứu và chế tạo bom nguyên tử của Mỹ. Tuy làm việc ở Mỹ nhưng Klaus Fuchs lại dành tình cảm cho phong trào cánh tả mà Liên Xô khi ấy là ngọn cờ đầu.

Khi bị nhân viên tình báo Anh và Mỹ kết hợp thẩm vấn, Klaus Fuchs đã thú nhận toàn bộ việc làm của mình. Sự thừa nhận của Klaus Fuchs gây chấn động lớn: Hoạt động gián điệp của Klaus Fuchs đã kéo dài trong vòng 7 năm. Tệ hơn, ông đã nói cho Liên Xô cũ cách chế tạo bom nguyên tử.

 

Điều khiến FBI ngạc nhiên hơn là trong toàn bộ quá trình làm gián điệp, Klaus Fuchs không tiếp xúc trực tiếp với nhân viên tình báo mà chỉ tiếp xúc với những phần tử trí thức cấp cao chịu ảnh hưởng của phong trào cánh tả. Từ đây, FBI nhanh chóng lần ra nhà hóa học tên Harry Gold tham gia làm gián điệp cho Liên Xô. Nhưng đó chưa phải là “con cá lớn”.

 

Trong thời gian Harry Gold chờ đợi xét xử, FBI đến gặp ông thường xuyên và được cung cấp thông tin: Ngoài Klaus Fuchs, ông còn liên hệ với một binh sĩ người Mỹ. Harry Gold không biết tên viên sĩ quan 25 tuổi này mà chỉ nhớ vài điểm về ngoại hình: Rất cường tráng, cao 170cm, tóc đen.

 

Lần theo manh mối này, FBI tìm được danh sách 20 người, sau đó lại cho Harry Gold xác định qua hình, ông chọn ra 1 tấm. Người này tên là David Greenglass. Ông ta cùng em rể là Julius Rosenberg làm chung tại một công ty ở Brooklyn (Mỹ).

 

Julius Rosenberg sinh ngày 12/5/1918 trong một gia đình nhập cư Do Thái ở Mỹ. Năm 21 tuổi, ông tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật điện. Ông là một trong những người lãnh đạo của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Mỹ. Năm 1936, Julius Rosenberg gặp Ethel Greenglass (em gái của David Greenglass) lớn hơn Julius 3 tuổi. 3 năm sau, họ kết hôn. Ethel từ lâu ước mơ làm diễn viên và ca sĩ, nhưng cuối cùng bà làm thư ký cho một công ty tàu thủy, do chứng kiến nhiều bất công của nhân dân lao động, bà cũng gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Khuynh hướng chính trị đó khiến cả hai vợ chồng rất đồng tình với Liên Xô, nhất là sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô đã thiết lập được địa vị của mình với vai trò thủ lĩnh của phe xã hội chủ nghĩa. Từ đó, Julius bắt đầu chuyển thông tin tình báo cho Liên Xô.

 

Ngày 16/6/1950, David Greenglass bị bắt, sau đó anh ta khai ra em rể Julius Rosenberg nhưng không nhắc gì đến em gái Ethel. Tuy nhiên, những tư liệu vừa được Thư viện Quốc gia Mỹ giải mật cho thấy, vợ của David Greenglass là Ruth Greenglass đã  không kín miệng nên khai ra Ethel.

 

Tình vợ chồng sau song sắt

Ngày 6/3/1951, Tòa án liên bang New York mở phiên tòa xử vợ chồng Rosenberg. Họ bị cáo buộc tham gia vào hoạt động gián điệp, mức phạt cao nhất của tội danh này là tử hình hoặc ngồi tù hơn 30 năm.

xuong-duong-doi-xet-xu-lai-vo-chong-rosenberg.jpg
Xuống đường đòi xét xử lại vợ chồng Rosenberg

 

Trong phiên xét xử, những chứng cứ và lời khai của nhân chứng gồm các chuyên gia thuộc lĩnh vực vật lý, hóa học cho biết, những tài liệu mà Julius Rosenberg có được đủ để “thể hiện nguyên lí chủ yếu của thiết bị gây nổ trong bom nguyên tử”. Những chứng cứ và lời khai này đã đưa vợ chồng Rosenberg lên chiếc ghế tử hình, mặc dù họ đã phủ nhận toàn bộ các cáo buộc tại tòa.

 

Sau khi tòa tuyên án, vợ chồng Rosenberg bị dẫn đến nhà giam riêng. Ở đây, vợ chồng Rosenberg bắt đầu hành trình chờ đợi dài dằng dặc trong tuyệt vọng. Trong thời gian này, hai vợ chồng gửi rất nhiều thư để động viên nhau. Những bức thư này cũng là ngọn nguồn giúp hai vợ chồng Rosenberg nhận được sự cảm thông từ mọi người.

 

Những trang thư làm xúc động hàng triệu người dân Mỹ, một tạp chí của Mỹ đã đưa ra một bài điều tra, bài báo này đăng tải liên tiếp 7 tuần. Sau đó dư luận Mỹ có những thay đổi. Nhiều người không cho rằng bị cáo là người có tội nữa. Những yêu cầu phúc thẩm lại vụ án của vợ chồng Rosenberg ngày càng nhiều. Mỹ đã thành lập “Ủy ban quốc gia đảm bảo tính công bằng cho phúc thẩm vụ án Rosenberg”. Tuy nhiên, 10 giờ sáng ngày 25/2/1953, Tòa án lưu động New York đã bác bỏ thỉnh cầu kháng cáo của vụ án Rosenberg. Tình cảm chân thành, sâu sắc của nhiều người không hề tác động gì đến các cơ quan tư pháp và hành chính Hoa Kỳ.

 

Cùng lúc đó, có rất nhiều đơn của những nhân vật nổi tiếng yêu cầu xét xử lại vụ án Rosenberg, trong đó có Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và nhà vật lý đoạt giải Nobel Albert Ernstein. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ mới được bổ nhiệm Dwight David Eisenhower đã bác bỏ tất cả các thư thỉnh cầu. Sáng ngày 19/6/1953, vợ chồng Rosenberg đã bị xử tử hình bằng ghế điện ở Ossining, New York.

 

Những bí mật hé lộ theo thời gian

Rất nhiều năm sau khi vợ chồng Rosenberg chết, vụ án của họ trở thành chủ đề đưa tin của các tạp chí, báo đài... Tháng 10 năm 1989, bức tường Berlin sụp đổ, kết thúc chiến tranh lạnh kéo dài nửa thập kỷ. 2 năm sau đó, Liên Xô tan rã, Nga với tư cách nước kế thừa của Liên Xô cũ đã công khai vụ án gián điệp bom nguyên tử và xác định Julius Rosenberg chính là gián điệp của Liên Xô cũ, còn vợ của ông không hay biết gì về vấn đề này. Trong thực tế, cả 2 “gián điệp nguyên tử” nổi tiếng này đều chưa một lần nào đặt chân tới Liên Xô. Julius Rosenberg được những người cùng thời mô tả như một thanh niên trẻ với thế giới quan độc đáo: Một mặt là tín đồ rất say mê đạo Do Thái, một mặt tiếp thu những quan điểm của chủ nghĩa xã hội.

 

Trái bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô được thử nghiệm thành công vào tháng 8/1949. Giới khoa học Mỹ khẳng định rằng: Nếu không có hoạt động tình báo của vợ chồng Rosenberg, vụ thử này có thể phải chậm đi ít nhất 3 năm.

 

David Greenglass về sau chỉ phải thụ án có 10 năm tù. Ông ta vẫn sống tại Mỹ với một cái tên giả. Người vợ Ruth Greenglass của David cũng như chồng mình, bà ta đã phải sống những năm tháng còn lại với một cái tên giả. Còn 2 cậu con trai Michael và Robert của vợ chồng Rosenberg được gia đình Meerpols nhận làm con nuôi. Năm 1975, cả hai cùng cha mẹ nuôi cho công bố cuốn sách có tên “We are your sons” (tạm dịch: Chúng tôi là con trai của họ) với nhiều chi tiết về cuộc đời cha mẹ mình. Sau đó họ còn thành lập một quỹ giúp đỡ con cái của các tù nhân chính trị.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn