Việc ăn uống với chị Thúy trở nên rất khó khăn, nhất là khi ăn các món cứng, dai, món nướng hoặc ăn thức ăn quá nóng, lạnh... Đây là hệ quả của một thời gian dài, chị Thúy chủ quan với căn bệnh viêm lợi của mình.
Chị kể, khi bước vào tuổi tứ tuần, chị thấy mình hay chảy máu răng, buốt chân răng. Chị đã đi khám và được bác sĩ tư vấn lấy cao răng, vì quá nhiều cao răng khiến lợi và răng của chị bị tách rời, gây viêm. Chị Thúy đồng ý lấy cao răng nhưng do cao răng chị bị vôi hóa, cứng và bám chặt vào răng, khiến bác sĩ rất mất công sức để cạy. Chị bị chảy máu nhiều, đau ê ẩm và tê buốt mất mấy ngày sau đó. Sau lần ấy, chị sợ và kiên quyết không đi khám lần nào nữa. Từ đó chị sống chung với căn bệnh viêm lợi, viêm quanh răng.
Chị Thúy cần phải lấy cao răng thường xuyên để có thể chữa được bệnh viêm lợi của mình. (Ảnh minh họa)
Vì thế, không lâu sau, chị bị tụt lợi, dẫn tới xô lệch, lung lay răng và cuối cùng phải nhổ bỏ mấy chiếc. Kết cấu bộ răng của chị bị lỏng lẻo, đe dọa những chiếc răng còn lại. Do “bộ nhá” có vấn đề nên chị ngại ăn uống, tụ tập và ngại đi công tác. Thực đơn của chị cũng phải đặc biệt, hầm nhừ, nấu loãng, để nguội, ăn từ tốn... Càng ngày chị càng “chuẩn mực” như người già. Thấy sức khỏe răng miệng của mình ngày một kém đi, chị buộc phải bỏ ra vài chục triệu đồng để trồng răng và nghiêm túc điều trị bệnh viêm lợi.
Bác sĩ điều trị cho chị Thúy phân tích, việc không thường xuyên lấy cao răng đã khiến cho cao răng trở thành túi chứa vi khuẩn, càng làm cho căn bệnh viêm lợi của chị nặng thêm. Lợi của chị đã chuyển từ màu hồng sang đỏ thẫm, mềm, sưng và chảy máu thường xuyên khi đánh răng.
Để chữa được bệnh viêm lợi, chị Thúy cần phải đi lấy cao răng thường xuyên (ít nhất 1 năm một lần); đồng thời phải dùng kháng sinh theo chỉ định, kết hợp với thủ thuật làm sạch các túi lợi...
Ở độ tuổi của chị, sức khỏe có phần giảm sút, nếu không chữa bệnh viêm lợi, nó có thể tiến triển nặng thêm, dẫn tới tắc động mạch và huyết khối, gây đau tim, đột quỵ. Vì theo nhiều nghiên cứu, vi khuẩn ở miệng có liên quan tới bệnh tim mạch. Ngoài ra, các nghiên cứu khác cũng cho thấy bệnh loãng xương xuất hiện ở độ tuổi trung niên và vi khuẩn ở miệng có thể phối hợp "tấn công" răng, dẫn tới việc dễ rụng răng.