Món ăn dân dã theo công thức của “bà ngoại trăm tuổi”

22:49 | 11/02/2020;
Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình tôi đã có một ngày vui tưng bừng bởi không chỉ là dịp sum họp, cả nhà còn quây quần trong Lễ mừng thượng thọ bà ngoại tôi 100 tuổi.

Lâu lắm rồi, gần 100 người gồm các con, cháu, chắt, chút của bà ngoại tôi- 5 thế hệ mới cùng có mặt đông đủ như thế. Tiếng cười nói rộn ràng ngay từ bắt đầu ngày mới. Bà ngoại của tôi- người đã sống tròn một thế kỷ- giờ gầy nhom, răng đã rụng gần hết nhưng bà vẫn rất minh mẫn.

Hôm đó, bà ngồi ở phòng khách, mặc bộ áo dài đỏ, vui vẻ tiếp chuyện mọi người. Ai đến cũng nắm tay bà thật chặt, chân thành gửi tới bà lời chúc sức khỏe và mong bà sống vui vầy bên các con cháu chắt. Có thể nói, ai cũng phấn khởi, nụ cười luôn thường trực trên môi tất cả mọi người.

Lễ thượng thọ được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết. Sau mấy ngày "vật vã" với bánh chưng, thịt gà, thịt lợn… nên việc lên thực đơn các món đãi khách trong dịp mừng thượng thọ bà mất khá nhiều thời gian mới "chốt" xong.

Vì tổ chức ở quê nên vẫn phải theo đúng lệ "mâm cao cỗ đầy", cỗ ngoài các món chính như thịt lợn nướng, chim quay, gà hấp lá chanh, giò…, còn có một món mà tôi để ý thấy mâm nào cũng hết bay, đó là món miến xào măng. Thậm chí, mâm tôi ngồi đã phải đặt hàng nhà bếp xào thêm cho một đĩa. Và tôi, hầu như từ đầu đến cuối chỉ ăn đúng món này mà không hề chạm đũa vào bất cứ món nào khác trên mâm.

Sở dĩ vậy vì vừa Tết xong, nhìn món nào cũng thấy… quen mắt và ngấy thì đĩa miến xào lại trở nên cực kỳ hấp dẫn. Chị dâu tôi, người trực tiếp điều hành trong bếp chia sẻ, đó là món hồi chị mới về làm dâu, bà ngoại tôi thi thoảng vẫn vào bếp làm chiêu đãi cả nhà. Cách làm tuy hơi lích kích nhưng lại khá đơn giản.

Món ăn dân dã theo công thức của “bà ngoại trăm tuổi” - Ảnh 1.

Món miến xào măng được chế biến bằng công thức của bà ngoại trăm tuổi nên ngon hơn nhiều

Chị đặt loại miến dong, sợi mềm và dai. Ngoài ra, măng nứa tự tay chị phơi, ngâm kỹ, đun vài nước để có sợi măng màu vàng nhạt, mềm mà khi ăn vẫn giữ được vị giòn thơm. Mộc nhĩ, nấm hương- hai loại này cần chuẩn bị nhiều một chút để góp phần tạo nên hương vị chủ đạo cho đĩa miến xào. Ngâm nước nóng cho mềm và dễ rửa sạch. Mộc nhĩ, nấm hương, giò lụa thái chỉ. Cần tây rửa sạch, thái thành đoạn dài.

Khi chế biến, bỏ hành tỏi băm vào phi thơm, xào măng xong, cho mộc nhĩ, nấm hương vào đảo. Đến khi hỗn hợp này chín, thơm thì cho miến vào đảo cùng, nêm gia vị vừa ăn. Cuối cùng là cho cần tây vào đảo. Khi ăn xúc ra đĩa, thêm hành khô, rau mùi, vài lát ớt, chút tiêu bột lên trên. Chuẩn bị thêm bát xì dầu để ai thích ăn đậm hơn có thể chan.

Chị dâu tôi còn tiết lộ một bí quyết là để đĩa miến không bị ngấy vì ngấm quá nhiều dầu ăn và khô khi cho trực tiếp vào xào, trước khi xào nên trụng qua nước nóng với tỷ lệ 7-8 phần nước nóng, 2 phần nước nguội để khi cho vào đảo miến nhanh chín, không bị ngấm nhiều dầu mỡ.

Món ăn dân dã theo công thức của “bà ngoại trăm tuổi” - Ảnh 2.

Có thể ăn kèm với salad rau củ trộn chua ngọt, vừa đỡ ngấy, vừa bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể

Ngày thường, khi xào có thể thêm thịt bò, giá, cà rốt, hành tây, trộn thêm đĩa salad rau củ chua ngọt- ăn vừa đỡ ngấy, vừa bổ sung thêm chất xơ cho cơ thể. Chị dâu tôi còn đùa, mọi năm ngày Tết, nhờ có món này mà tiêu thụ được kha khá giò tồn vì giò thái ra bày đĩa thắp hương xong lại cất tủ lạnh, chưa ăn tới, khi cần có thể mang ra xào miến luôn.

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên tôi ăn món miến xào măng, nhưng có lẽ món ăn trở nên ngon hơn nhiều những lần tôi đã ăn trước đó, bởi được chế biến bằng công thức của "bà ngoại trăm tuổi".

Trước Tết vừa rồi, anh chị tôi mới lên chức ông bà nội. Vậy là trong ngày mừng thượng thọ bà ngoại tôi, còn có sự xuất hiện của nhân vật bé nhỏ nhất nhà, chắt gọi bà ngoại tôi là kỵ. 5 thế hệ cùng quây quần bên bà, ai nấy đều cảm thấy lòng ấm áp vô cùng... Tết vì thế càng trở nên ý nghĩa với gia đình tôi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn