Món ăn Việt ở xứ người

17:12 | 29/09/2015;
Có dịp ra nước ngoài, ai cũng đều cảm thấy rất thú vị và tự hào mỗi khi bắt gặp những sản phẩm “made in Vietnam”. Thế nhưng, niềm tự hào sẽ nhân lên gấp bội nếu như có những vị khách nước ngoài chọn mua những sản phẩm ấy…

Ở Singapore, những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam không nhiều. Nhưng có một thương hiệu rất nổi tiếng mà rất nhiều người dân bản địa và du khách quốc tế biết đến: Nam Nam - một chuỗi cửa hàng bán thức ăn mở ra tại các địa điểm rất đông người lui tới, trong đó hai nơi đông khách nhất là tại Plaza Singapura và dưới tầng hầm khu trung tâm mua sắm Orchard.

Tại đây, khách có thể lựa chọn khá nhiều món ăn Việt, từ phở, cơm tấm, cho đến các loại bánh đặc sản mang hương vị đủ ba miền Bắc - Trung - Nam. Nhân viên tại những quán này có một số người Việt, nhưng chiếm số đông là người nước ngoài, đến từ Bangladesh, Nepal, Philippines, Malaysia...

Điều quan trọng khi bán đồ ăn Việt ở nước ngoài là người chủ phải biết tôn trọng bản sắc văn hóa của các món ăn. Ảnh minh họa: internet

Nhưng điều đó không quan trọng bằng chính chất lượng của những sản phẩm được bán tại đó. Dường như, để “chiều lòng” các khách hàng bản địa, và cũng có thể do điều kiện chuyên chở, vận chuyển khó khăn, nên các đầu bếp đã pha trộn nhiều loại gia vị theo những công thức “không giống ai”, khiến cho món phở gà lại ngây ngấy mùi… cà ri Ấn. Các món bánh cũng không còn mang đúng hương vị “gốc”, khiến những thực khách đến từ Việt Nam khó lòng nhận ra đó chính là những sản phẩm đến từ quê hương mình!

Thế nhưng, ở Kuala Pumpur (Malaysia) thì khác. Giữa con đường Jalan Alor có hàng trăm quán bán món ăn của Mã, Hoa, Thái vây quanh, một quán ăn Việt chỉ với 3 món “chủ lực” là phở, món nướng và lẩu vẫn thu hút rất đông thực khách. Chủ quán ở đây tỏ ra khá “kiên định” trong việc giữ gìn bản sắc các món ăn mà họ đã kỳ công mang từ quê nhà sang. Mặc dù ở Malaysia không có sẵn những loại ra gia vị như rau mùi, húng quế, mùi gai... còn hành lá thì cũng khá hiếm và đắt, nhưng những bát phở ở đây vẫn đảm bảo các “tiêu chuẩn” về mùi vị đạt không dưới 90% so với những quán phở hạng trung ở Việt Nam. Các món nướng cũng sử dụng gia vị tẩm ướp thuần chất Việt, coàn món lẩu thì đậm đặc chất Nam Bộ... Thưởng thức món Việt giữa đất Malaysia, bên cạnh những vị khách nói các loại ngôn ngữ khác nhau, nhìn những cái gật đầu với vẻ hài lòng, hay những gương mặt đầy thèm thuồng của các cô, cậu bé mà sâu trong lòng đầy tự hào về nghệ thuật ẩm thực Việt.

Anh Thanh Tùng, quê Nghệ An, một người Việt sinh sống và làm ăn mấy năm nay ở Kuala Lumpur, cho biết, anh là khách quen thường xuyên lui tới quán này, vì món ăn “đúng chất”, và giá rẻ hơn so với nhiều quán ăn Việt khác ở thành phố này. Theo anh Tùng, ở Kuala Lumpur còn có những quán ăn Việt rất nổi tiếng như Sao Nam hay Cung Đình, nhưng dường như đó là nơi chỉ dành cho những khách “cao cấp” vì giá rất đắt (khoảng vài triệu đồng cho một bữa ăn từ 3 đến 4 người). Vì vậy mà chính quán ăn Việt trên đường Jalan Alor mới chính là nơi có thể giới thiệu được nghệ thuật ẩm thực Việt đến đông đảo khách bản đia và du khách quốc tế.

Bán đồ ăn Việt ở nước ngoài là điều không đơn giản, bởi công thức pha chế và nguyên liệu đòi hỏi sự cầu kỳ, tinh tế rất cao. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là người chủ phải biết tôn trọng bản sắc văn hóa của các món ăn. Từ đó mới có thể chinh phục được thực khách bằng chính những nét độc đáo của các món ăn quê hương...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn