Môn Hóa sẽ nhiều điểm 10 hơn năm 2015

19:18 | 03/07/2016;
Thầy Nguyễn Hoàng Lâm (Giáo viên Hóa, Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) cho rằng: Đề thi Hóa năm nay tránh được tình trạng học lệch (cấu trúc trải rộng kiến thức lớp 12) và học thuộc lòng.
Thí sinh trao đổi bài sau buổi thi môn Hóa học chiều 3/7 tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Ảnh: Quý Trung.

Sau hai môn thi Địa lý, Hóa học, tổng số thí sinh vi phạm kỷ luật là 66, trong đó có 53 bị đình chỉ, 6 cảnh cáo và 7 khiển trách.

Về đề thi môn Hóa học chiều này, thầy Nguyễn Hoàng Lâm (Giáo viên Hóa, Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) cho rằng: Đề thi Hóa của kỳ thi THPT quốc gia 2016 tránh được tình trạng học lệch (cấu trúc trải rộng kiến thức lớp 12) và học thuộc lòng.

Cấu trúc đề thi tương tự như đề thi năm 2015. Nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm hơn 80%, lớp 10 và 11 khoảng gần 20%. Số câu dễ là 30 câu, có 8 câu khó như câu 46, 49 phần hóa vô cơ và câu 33, 36 phần hóa hữu cơ.

Số câu hỏi đếm xuất hiện ít hơn chỉ có 1 câu. Số câu hỏi kiến thức tổng hợp là 4 câu. Câu crom nhiều hơn 2 câu và là câu khó, phù hợp với sách nâng cao.

Bài đồ thị dễ hơn mọi năm. Đề thi có nhiều câu hỏi ứng dụng nhưng đều rơi vào câu dễ. Các câu khó đều sử dụng nhiều phương pháp trong 1 bài như bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, quy đổi. Đề thi năm nay không xuất hiện câu hỏi lạ.

Có bài tập thực tiễn, trong quá trình học yêu cầu giáo viên và học sinh phải tìm tòi, học kỹ và đầy đủ sách giáo khoa, không cắt xét chương trình thì thí sinh mới có thể làm được.

Duy trì được việc lồng ghép kiến thức, cách truyền tải thông tin đa dạng (không chỉ duy nhất dạng chữ) mà còn bảng biểu, đồ thị, hình vẽ, giúp học sinh trực quan vận dụng kiến thức liên môn tốt hơn (Lý - Hóa).

Nhìn chung đề thi “mềm” hơn so với 2015. Dự báo phổ điểm trung bình sẽ từ 7,5 đến 8. Số điểm 10 sẽ tăng so với năm 2015.

Ngày mai, thí sinh sẽ thi hai môn cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2016: Sáng thi môn Lịch sử làm bài trong 180 phút và chiều thi môn Sinh học trong 90 phút.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn