Theo quan niệm của người Dao, người con trai nào không được cấp sắc, khi sống không được thờ cúng cha mẹ, khi chết không được về với tổ tiên, không được công nhận là con cháu của Bàn Vương (tổ tiên của người Dao). Vì thế, có làm Lễ cấp sắc thì họ mới thực sự là người trưởng thành và được cộng đồng công nhân.
Bản Cò Hào (nay sáp nhập vào bản Nà Bai), xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, của bà con người Dao nằm chênh vênh bên sườn núi. Hơn chục mái nhà lọt thỏm giữa rừng. Bà con nơi đây mới đón tin vui là bản đã có điện. Đường ô tô cũng đã vào tận bản. Niềm vui như được nhân đôi khi bản được sáp nhập với bản người Mường. Nhưng trong mỗi nếp nhà nơi đây canh cánh nỗi lo khi có con trai sắp đến tuổi làm lễ "lập tĩnh". Nó như một món nợ của đời người mà bất cứ gia đình nào cũng phải trả càng sớm càng tốt.
Theo phong tục truyền thống của người Dao, khi người con trai từ 9 - 12 tuổi trở lên, gia đình phải chuẩn bị tổ chức Lễ cấp sắc cho con, thể hiện trách nhiệm của bố mẹ đối với con cái. Đồng thời mong muốn sau Lễ cấp sắc, người con trai là người trưởng thành, được tổ tiên, làng xóm công nhận, tôn trọng, mọi việc trong cuộc sống luôn may mắn, thuận lợi.
Gia đình anh Triệu Văn Lâm vừa tổ chức xong lễ cấp sắc cho 2 đứa con trai. "Tốn kém lắm anh à. Nhà chưa dư dả gì cũng phải tổ chức cho bằng chị bằng em" - anh nói. Theo anh Lâm, để tổ chức Lễ cấp sắc, gia đình phải chuẩn bị về mặt kinh tế trước 1 - 2 năm bao gồm lương thực, thực phẩm, sau đó nhờ thầy cúng chọn ngày tổ chức. Khi chọn được ngày tốt, gia đình anh phải mời thầy và anh em đến giúp các công việc khác liên quan trong quá trình tổ chức lễ cúng.
Một trong những công việc quan trọng là gia đình phải nuôi một đôi lợn để làm lễ cúng Bàn Vương và các vị thần linh. Trong quá trình nuôi lợn, gia đình phải ứng xử, đối đãi tốt với con lợn như với con cái trong gia đình, không được mắng chửi, phải cho ăn những thức ăn ngon, không được để lợn đói... sợ sau này thần linh quở trách. Lợn dùng trong Lễ cấp sắc phải từ 80 kg đến trên 150 kg trở lên, sau lễ cúng một phần con lợn được biếu cho các thầy cúng để trả công. "Gia đình tôi mời tất cả các hộ dân trong bản đến chia vui trong lễ cấp sắc của con trai. Việc ăn uống diễn ra suốt 2 ngày", anh Lâm cho biết.
Mỗi khi gia đình nào tổ chức lễ cấp sắc, bản như trở thành ngày hội vậy. Gia đình ông Triệu Văn Hiến mới tổ chức xong lễ cấp sắc cho 2 đứa cháu nội. Ông Hiến như trút được gánh nặng của đời người. Từ nay gia đình chỉ việc lo cho chúng ăn học, chứ không phải lo phần lễ lạt nữa. Khi gia đình người Dao tổ chức lễ cấp sắc phải đi mời hàng xóm trước cả tuần lễ. Rồi việc đi nhờ thầy cúng nào giỏi, nào hay cũng là cả một hành trình.
Trước hôm tổ chức lễ cấp sắc, mỗi hộ trong bản sẽ có một người đến làm giúp gia chủ mổ lợn, rồi sắp lễ. Việc này diễn ra linh đình hơn cả đám cưới. Việc ăn uống này diễn ra suốt 2-3 ngày. Ai đến là ngả mâm ra đánh chén. Nhà nào ít cũng vài chục mâm, nhà làm nhiều lên đến cả trăm mâm. Bên trong nhà các thầy cúng cứ cúng còn việc "đánh chén" của dân bản vẫn diễn ra như thường.
Người Dao ở bất cứ nơi đâu cũng đều coi lễ đặt tên cho con là việc quan trọng của đời người. Nhà nào khi sinh được con trai cũng đều dự trù một khoản để tổ chức làm lễ. Nhà nào chưa làm được việc đó cho con thì coi nó như là món nợ cần phải trả trong cuộc đời. Dù gia cảnh khó khăn đến mấy họ cũng phải lo cho bằng được.
Ông Đinh Văn Đức, Trưởng bản Nà Bai (bản Cò Hào của người Dao sáp nhập vào bản Nà Bai được mấy năm) chia sẻ, Cò Hào có 14 hộ đều là người Dao, trong đó có 7 hộ nghèo và 3 hộ cận nghèo. Đời sống của bà con vẫn còn vô cùng khó khăn. Trong khi đó, mỗi lần tổ chức lễ cấp sắc là tốn một khoản vô cùng lớn, đến vài chục triệu đồng. Nhiều hộ sau lễ cấp sắc trở thành con nợ.
"Tôi là trưởng bản nên lễ lạt gì của bà con, họ đều mời. Từ cơm mới, thanh minh, rằm tháng 7 đến lễ cấp sắc rồi Tết nhất… cả năm cứ xoay vòng những ngày đó là tổ chức ăn uống", ông Đức cho biết.
Gia cảnh của các hộ gia đình bản Cò Hào có khó đến mấy họ đều làm lần lượt những ngày đó. Không gia đình nào để thiếu một ngày. "Trong bản các hộ tự sắp xếp ngày tổ chức ăn uống để không trùng với các gia đình khác. Việc trả nợ miệng này khiến cuộc sống của họ thêm khó", ông Đức cho biết thêm.
Ông Triệu Văn Hiến là người uy tín của bản Cò Hào và cũng là người có uy tín đối với các hộ gia đình. Ông vừa trải qua cơn đột quỵ do tai biến. Cách đấy 3 năm, trong khi đi làm nương, ông tự nhiên thấy chóng mặt rồi ngã gục bên vệ đường. May mắn cho ông là con cái phát hiện sớm và đưa đi cấp cứu. Từ bệnh viện trở về, ông đã không thể làm việc nặng mà chỉ quanh quẩn ở nhà. Nhắc đến chuyện cấp sắc của dân tộc mình, ông Hiến cũng biết nó là "khoản nợ" của đời người. Bao thế hệ người Dao đã nối nhau thực hiện. "Đời tôi đã được làm, đến con trai tôi sinh được 2 người con. Nó cũng phải gắng gượng để tổ chức lễ cấp sắc cho chúng. Nếu không làm là mình chưa hoàn thành nghĩa vụ của đời người", ông Hiến chia sẻ.
Bản thân ông Hiến cũng nhận thấy việc làm này tốn kém, gia đình nào khá giả còn đỡ, chứ nhiều hộ nghèo nhưng cũng muốn phải tổ chức cho bằng làng, bằng nước. Ngày trước việc tổ chức lễ cấp sắc đơn giản và ít tốn kém. Ngày nay, việc ăn uống ngày càng mở rộng. Có gia đình tổ chức lễ cấp sắc làm cả trăm mâm cỗ, ăn suốt 2-3 ngày quả là tốn kém.
Cuộc sống của các hộ người Dao ở bản Cò Hào chưa lấy gì làm khá giả. Nhiều gia đình đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mưu sinh. Ấy vậy mà để vận động bà con giảm bớt hủ tục, bớt tổ chức ăn uống, lễ lạt đi thì lại chuyện hoàn toàn khác.
"Cái gì là hủ tục, cán bộ bản vận động bà con bỏ dần, chứ không thể làm ngay trong ngày một ngày hai được", ông Đức cho biết thêm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn