Nhiều người đàn ông khi yêu, họ có thể thường xuyên làm một việc gì đó thể hiện sự lãng mạn với bạn gái. Song, khi 2 người đã cưới nhau rồi, dường như anh luôn nghĩ sự lãng mạn không còn cần thiết. Với chồng Liên, chỉ riêng những gì anh thể hiện trong ngày 8/3, đã là một ví dụ điển hình.
Hồi họ còn hẹn hò, chưa có ngày 8/3 nào mà Liên không nhận được từ anh lời mời hẹn hò đi ăn tối ở nhà hàng lãng mạn hoặc món quà mà cô rất thích, bó hoa hồng rực rỡ… Ai cũng khen Liên có bạn trai lãng mạn, chu đáo và chịu chi.
Sau gần 4 năm hẹn hò, họ chính thức làm đám cưới. Vợ chồng cùng tất bật lao vào công việc, kiếm sống, lo mua nhà rồi dự tính chuyện sinh con… Thỉnh thoảng cũng có những tranh cãi, xung đột, thất vọng về nhau nhưng không nhiều. Tuy nhiên, mỗi khi ngày 8/3 đến lại là thời điểm để Liên nhớ về những kỷ niệm cũ và cảm thấy rất không hài lòng với chồng. Kể từ hồi cưới nhau, vào ngày 8/3, Liên không có được cảm giác mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất nữa.
Còn nhớ ngày 8/3 đầu tiên sau đám cưới, anh bị sếp phân công đi công tác. Thế là sự quan tâm của anh dành cho vợ chỉ là một dòng tin nhắn ngắn ngủi: “Chúc mừng vợ yêu nhân ngày 8/3”. Liên đọc xong, thấy hụt hẫng, ngậm ngùi. Cô biết là hoàn cảnh bắt buộc phải thế nhưng Liên vẫn trách chồng sao không biết thu xếp mua quà tặng vợ trước khi đi? Sao không thể làm một hành động lãng mạn là nhờ dịch vụ điện hoa? Sao không nghĩ ra một tin nhắn gì đó dài dòng hơn và tình cảm hơn? Sao không hứa hẹn khi đi công tác về sẽ có quà 8/3 muộn?…
Để có một ngày kỷ niệm vui vẻ, hãy nói lên mong muốn trong lòng mình cho đối phương biết (Ảnh minh họa)
Ngày 8/3 của năm thứ hai sau đám cưới, anh không phải đi công tác. Cách ngày lễ chừng 1 tuần, Liên đã thấp thỏm phỏng đoán không biết năm nay chồng sẽ tặng quà gì cho mình? Liệu có phải vẫn là một bó hoa hồng rực rỡ như hồi yêu nhau? Liệu anh có tự đi mua tặng vợ một món quà nào đó mà cô rất thích và chắc chắn anh cũng đã biết rất rõ điều đó! Ví dụ, Liên từng nói với anh là cô đang rất thích đổi chiếc điện thoại mới, cô còn mê chiếc đầm màu đỏ tuyệt đẹp đang treo ở shop ngay gần nhà. Song, đến 8/3, Liên ngỡ ngàng và phát cáu lên với chồng khi tan sở, anh hào hứng về nhà, xách theo một con vịt nướng và nói: “Chúc mừng ngày của bà xã nhé! Em vẫn thích ăn thịt vịt nhất, đúng không? Chúng ta đánh chén thôi!”.
Năm nay, ngay sau Tết Nguyên đán là đón ngày 8/3. Những ký ức tiêu cực về sự chờ đợi, phỏng đoán, suy luận, hồi hộp rồi xung đột và thất vọng với chồng lại ùa về trong tâm trí Liên. Nó khó chịu, gây nhiều ám ảnh đến mức cô không muốn bị lặp lại nữa. Vậy, làm thế nào để thay đổi được tình hình?
Liên đã suy nghĩ thật lâu, rồi cô tìm được giải pháp. Cô sẽ phải thay đổi quan niệm, cách nghĩ của mình về mối quan hệ ứng xử hàng ngày với chồng nói chung cũng như ngày lễ 8/3 nói riêng. Đó là không nên quá thụ động chờ đợi “nửa kia” làm gì đó cho mình, để rồi nếu “người ta” không làm hoặc làm không đúng ý mình thì lại buồn rầu, trách móc. Thay vì trách móc rồi tự chuốc lấy xung đột thì cần chủ động thể hiện ra bên ngoài những mong muốn của mình cho “nửa kia” biết. Ví dụ, với ngày 8/3 năm nay, Liên sẽ cân nhắc xem cô thực sự muốn chồng làm gì cho mình. Nếu muốn anh tặng hoa hồng thì cô sẽ không ngần ngại nhắc chồng: “Đã mấy năm rồi, ngày 8/3 anh quên tặng hoa cho em như hồi đang yêu đấy nhé! Anh đừng tưởng đã là vợ rồi thì không còn muốn được nhận hoa!”. Hoặc, nếu cô cần anh mua món quà gì đó như váy, điện thoại, nước hoa… thì sẽ trực tiếp nói với anh. Hoặc, nếu cô muốn có cuộc hẹn lãng mạn, đi ăn ở nhà hàng nào đó thì sẽ đề nghị anh đưa mình đi hoặc cô sẽ chủ động rủ chồng đi… Liên tin với cách ứng xử này, cả 2 sẽ thấy dễ chịu về nhau.
Không giữ ấm ức trong lòng - Cần xác định nam giới và phụ nữ luôn là 2 nửa khác biệt nên sẽ tồn tại những suy nghĩ, cách hành xử trái ngược nhau. - Nên duy trì sự quan tâm, chăm sóc hay sự lãng mạn dành cho nhau, vì đó là những điều không thể thiếu trong đời sống vợ chồng. - Để không thất vọng hoặc tránh xung đột, hãy chủ động nói với người bạn đời những điều mình muốn. |