Món quà vô giá của người cha hành khất

15:09 | 15/05/2017;
Thế giới gọi Kawsar Hossain (Bangladesh) là người cha vĩ đại bằng việc dành dụm số tiền ăn xin 2 năm trời để mua một chiếc váy mới cho con gái.
Thương con gái chịu nhiều thiệt thòi, người cha muốn làm điều gì đó thật đặc biệt cho con. Sau 2 năm dành dụm, cuối cùng anh cũng đủ tiền mua một chiếc áo váy mới cho con. Chính cách trao tặng và tình cảm chân thành của người cha đã làm món quà trở nên vô giá. Dưới đây là những dòng tâm sự đẫm nước mắt của anh.

“Hôm qua, sau 2 năm dành dụm, cuối cùng tôi cũng đã mua được cho con gái chiếc váy mà nó yêu thích. Tôi cầm 60 tờ giấy bạc mệnh giá 5 taka đưa cho bà chủ. Chắc có lẽ bực mình vì thấy toàn tiền lẻ mệnh giá thấp, bà ấy thốt lên khó chịu: “Anh là ăn mày à?”.
Anh Kawsar Hossain đã dành dụm 2 năm để mua tặng chiếc váy mà con gái thích
Con gái tôi cảm thấy bị tổn thương vì cách hành xử đó. Nó bật khóc và kéo tay tôi bước ra khỏi cửa hàng: “Bố à, con không muốn mua áo đầm nữa đâu”. Tôi cúi xuống, dùng cánh tay duy nhất của mình lau nước mắt cho con rồi ngước lên, trả lời bà chủ: “Vâng, tôi là kẻ ăn mày”.

Mười năm về trước, tôi thật không dám nghĩ giờ đây mình phải ra đường xin ăn nhưng rồi tai họa ập đến bất ngờ khi chiếc xe khách chở tôi đâm vào thành cầu, lao thẳng xuống sông. Ngay cả việc sống sót thôi cũng là một điều kỳ diệu. Tôi trở thành người tàn phế từ tai nạn đó cũng không có gì lạ. Cậu con trai nhỏ vô tư của tôi thường hỏi bố đã bỏ lại cánh tay kia ở nơi nào? Cô con gái đầu lòng Sumaiya mỗi khi đút cơm cho bố, thường nói một cách cảm thông: “Con hiểu những khó khăn của bố khi làm tất cả mọi việc chỉ với một cánh tay”.

Kể từ ngày tôi bị nạn, đây là lần đầu tiên con gái tôi có một chiếc váy mới. Đó chính là lý do vì sao hôm nay tôi muốn dẫn con gái đi chơi. Dù tôi biết mình sẽ chẳng kiếm được đồng nào nếu không đi xin nhưng tôi chỉ muốn ở bên con gái tôi thôi. Con gái tôi chẳng có một tấm hình nào. Vì thế, tôi đã lén vợ sang nhà xóm mượn chiếc điện thoại để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này.
Anh Kawsar Hossain hào hứng ghi lại khoảnh khắc của con gái bằng chiếc điện thoại
mượn của hàng xóm
Tôi luôn mong ước một ngày nào đó mình có điện thoại, nhất định tôi sẽ chụp thật nhiều hình cho các con tôi. Tôi muốn lưu giữ tất cả những ký ức tốt đẹp về chúng.

Đôi khi, các con tôi cảm thấy buồn vì tôi không có tiền cho chúng đi học. Chúng cũng không được tham dự những cuộc thi như bạn bè cùng trang lứa, bởi vì các khoản lệ phí đều quá sức với tôi.

Song, tôi vẫn thường an ủi chúng rằng: “Thỉnh thoảng, chúng ta có thể bỏ lỡ một vài cơ hội đến trường nhưng mỗi ngày qua chúng ta có thể học ở một trường học lớn hơn, đó là cuộc sống, là trường đời. Bố sẽ dạy cho các con những điều ấy”.

Mỗi ngày, tôi đi ăn xin, con gái tôi thường theo sau, rồi ngồi ngay cột đèn xanh đèn đỏ để trông chừng bố. Con bé luôn lo sợ những chiếc xe lớn sẽ lao vào tôi một lần nữa và tôi sẽ chết. Con bé không đành lòng để tôi ra ngoài một mình.

Tuy nhiên, Sumaiya không hề biết tôi cảm thấy xấu hổ khi phải để con gái mình thấy bố sống bằng lòng thương hại của người khác.

Bất cứ khi nào xin được một ít tiền, bố con tôi sẽ nắm tay nhau về nhà. Con bé luôn tranh xách đồ giùm tôi. Những hôm trời mưa, hai bố con càng thích vì được tắm mưa. Lúc đó, hai bố con tôi sẽ nói cho nhau nghe những ước mơ của mình.

Hôm nào, không xin được tiền, hai bố con sẽ ra về trong im lặng. Lúc đó, tôi cảm giác mình vô dụng giống như sắp chết vậy. Cho đến khi đêm đến trước khi chìm vào giấc ngủ, những cái ôm của con trẻ mới làm tôi sống lại và thấy lòng mình vơi đi ít nhiều những mặc cảm, ưu phiền.

Điều duy nhất làm tôi áy náy mãi là khi thấy con gái ngồi chờ tôi đến ngủ gục. Đó cũng là những lúc xin ăn, tâm trí bận bịu, tôi không thể nhìn vào mắt con.

Tuy nhiên, hôm nay là một ngày đặc biệt bởi vì con gái tôi rất hạnh phúc. Hôm nay, tôi không phải là một kẻ ăn mày nữa mà là một vị vua đang đứng trước một nàng công chúa đáng yêu”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn