Mong bà bỏ thói quen "chụp mũ"

15:47 | 12/01/2020;
Con không thể phủ nhận bà thương yêu con rất nhiều. Chỉ có điều, bà luôn dạy con như cách ngày xưa bà dạy ba con. Với bà, “người lớn đã nói thì không bao giờ sai” nên bà có quyền chụp mũ, quy kết tội con một cách dễ dàng.
Bà rất yêu thương con nhưng bà thường dạy con theo cách mấy chục năm về trước. Ảnh minh họa

Bà rất yêu thương con nhưng bà thường dạy con theo cách mấy chục năm về trước. Ảnh minh họa

Bà chăm sóc, lo lắng cho con rất nhiều. Con rất yêu và biết ơn bà vì điều đó. Bà nói, con là con gái nên bà sẽ để ý, dạy bảo nhiều hơn. Thế nhưng, bà áp dụng cách dạy từ mấy chục năm trước để dạy con khiến con cảm thấy vô cùng ức chế. Thế hệ của con không giống như thế hệ của ba mẹ con. Bà dạy con nhưng bà phải tôn trọng con chứ không thể bà lấy quyền của người lớn để nói gì con cũng được.

Mới hôm qua thôi, chỉ vì không tìm thấy chiếc quần bò của con mà bà nằng nặc quy kết con là "bé tí tuổi đã đua đòi, đã đổi đồ với bạn". Bà vin vào việc trong khi chiếc quần bò biến mất thì lại có chiếc áo khoác "lạc" vào nhà. "Thế mày không đổi đồ thì tự nhiên lại có chuyện mất quần thế à?", bà chụp mũ rất nhanh mà không cần tìm hiểu thực hư thế nào.

Trong khi con giải thích rằng không có chuyện con đổi đồ với bạn. Chiếc áo do bạn mặc chật nên cho con, bạn cao hơn cao rất nhiều nên không thể có chuyện bạn mặc vừa quần của con được. Vậy mà bà bỏ ngoài tai tất cả những lời giải thích của con. Bà nằng nặc áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác và luôn cho rằng mình đúng.

Con không nhận làm điều đó thì bà dọa sẽ về mách tội cho ba con. Lúc nào bà cũng mang ba ra để dọa con. Với bà, chỉ cần con sợ, chỉ cần con bị đánh thì sẽ "bịt mồm" được con, sẽ khiến con "nhận tội".

Con không hiểu tại sao bà lại cho rằng việc đổi quần áo sẽ khiến con sau này hư hỏng, đua đòi? Với bà, đứa trẻ ở tuổi con thì không được quan tâm đến ngoại hình, phải ngoan, "bảo dạ gọi vâng". Bà không chấp nhận được tuổi của con đã "quần nọ, áo kia". "Bé tí mà mày đã biết đổi quần áo, lớn lên nữa thì mày mang cả xe, cả nhà ra đổi à?", bà gào lên với con như thế.

Con mong khi bà nói gì, dạy gì con thì điều quan trọng nhất bà phải tôn trọng con. Ảnh minh họa

Con mong khi bà nói gì, dạy gì con thì điều quan trọng nhất bà phải tôn trọng con. Ảnh minh họa

Lúc nào bà cũng quan trọng hóa vấn đề lên như vậy. Bà không khác gì "gián điệp" của ba khiến con rất khó chịu. Chỉ cần con có hành vi mà không theo ý bà thì bà gọi là "lệch chuẩn", hư hỏng. Và bà liền mách ba con theo cách suy diễn, theo lối suy nghĩ cổ hủ của bà. Ba bận công việc nên  thấy bà mách tội của con liền mắng con xối xả, thậm chí đánh con mà không quan tâm việc đó đúng hay sai.

"Lệch chuẩn" của bà là việc làm đẹp, việc quan tâm đến ngoại hình, việc sử dụng mạng xã hội, việc xưng hô  cà chớn với bạn… Tuổi của con mới 13 mà lúc nào bà cũng muốn con sống như người 63 tuổi. Bà bảo, con gái phải nề nếp, đứng đắn, ăn nói phải chừng mực, dễ thương và bà có trách nhiệm uốn nắn con theo cách của bà.

Bà à, tuổi này con phải được làm đẹp, phải quan tâm đến ngoại hình. Đi đâu chơi, con có thể đánh chút son cho đôi môi thêm tươi tắn. Đâu cứ phải đứa trẻ điệu đà là dễ hư hỏng, sa ngã, dễ yêu đương sớm. Bà không tự hào, không vui khi thấy cháu gái có ngoại hình xinh đẹp, dễ thương sao.

Con thực sự mong muốn bà thay đổi suy nghĩ những đứa trẻ thế hệ Z như con. Đặc biệt, khi bà nói gì, dạy gì con thì điều quan trọng nhất bà phải tôn trọng con. Bà đừng dễ dàng quy kết, chụp mũ con khiến con cảm thấy rất ấm ức. Người lớn không có nghĩa là lúc nào cũng đúng và người lớn càng cần hiểu và đồng cảm với những đứa trẻ như con. Có như vậy thì tình yêu thương của bà dành cho con mới trọn vẹn, bà à!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn