Mong có chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sản xuất hữu cơ, bảo vệ môi trường

15:44 | 10/09/2021;
Là người tham gia lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã nhiều năm, tôi nhận thấy phụ nữ khởi nghiệp có khá nhiều giới hạn cần phải vượt qua.

Trước hết, phải kể đến đặc thù về giới. Một phụ nữ làm kinh doanh, họ không chỉ phải gánh vác việc xã hội mà còn phải làm tròn bổn phận. Công việc gia đình chiếm nhiều thời gian nên phụ nữ khởi nghiệp thường phải cố gắng gấp nhiều lần bình thường.

Hạn chế thứ 2 của phụ nữ khởi nghiệp là phần nhiều vẫn đang ở quy mô làm kinh doanh nhỏ. Trong quá trình gây dựng công ty hay hợp tác xã, chị em cần nguồn vốn để thúc đẩy kinh doanh nhưng chính vì đang ở quy mô nhỏ như vậy, nên phụ nữ khởi nghiệp hiện khó tiếp cận nguồn vốn vì ngân hàng hay các quỹ tín dụng luôn yêu cầu tài sản thế chấp.

Hạn chế thứ 3 là trong tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp như 2 năm vừa qua và trong thời gian tới, kinh doanh truyền thống không đạt được hiệu quả như mong muốn. Tôi và nhiều chị em đã ý thức được cần linh hoạt chuyển đổi mô hình kinh doanh, nhận thấy yêu cầu cần phải làm ngay là chuyển đổi số. Song, thực tế, phụ nữ ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số còn nhiều hạn chế.

Vượt qua được những rào cản, hạn chế đó, nhiều chị em đã nỗ lực để khởi nghiệp thành công. Chúng tôi đã học cách làm chủ cảm xúc, cân bằng cuộc sống; tích cực học hỏi không ngừng, tự tin đổi mới, chấp nhận sự thay đổi để tạo ra những sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đồng thời, phụ nữ khởi nghiệp chúng tôi cũng rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ, của các quỹ đầu tư, của các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội LHPN Việt Nam. Làm giám đốc 1 hợp tác xã (HTX) tại Thái Nguyên, tôi có một số đề xuất:

- Phụ nữ cần được hỗ trợ để nâng cao kỹ năng và năng lực bản thân khi tham gia khởi nghiệp. Ví dụ được tập huấn nâng cao kiến thức, được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, được tham gia giao lưu kết nối với các doanh nghiệp, HTX khác để chia sẻ, học hỏi...

- Các nữ doanh nhân được tạo điều kiện để quảng bá sản phẩm, hình ảnh của hợp tác xã và có điều kiện để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh.

- Các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động giúp phụ nữ khẳng định bản thân và khẳng định vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Cụ thể như: Thúc đẩy nhiều hơn các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện mạng lưới liên kết để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bền vững, hiệu quả. Có chính sách hỗ trợ nguồn lực, kinh phí phù hợp để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp mới.

Đặc biệt trong đó, cần chú trọng hỗ trợ tập thể, cá nhân khởi nghiệp theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, bảo vệ môi trường. Bởi, sản xuất an toàn đang là xu hướng được lựa chọn trên thế giới. Đây cũng là xu hướng phát triển xanh, bền vững, phù hợp với các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của Việt Nam.

Tinh thần "Quốc gia khởi nghiệp" đã tạo động lực và lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp phụ nữ, thời gian qua có rất nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề, đe dọa đẩy lùi những thành quả đạt được.

Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đặt ra, đề xuất các giải pháp để phụ nữ khởi nghiệp thành công, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 9/2021.

Mọi ý kiến xin gửi về toà soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn