Tôi lựa chọn khởi nghiệp bằng nguyên liệu thế mạnh của vùng đất nông nghiệp. Địa phương tôi có nhiều bãi bồi phù sa màu mỡ thích hợp trồng những bãi đậu, mè. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để tôi cho ra đời sản phẩm bột ngũ cốc thơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Thương hiệu bột ngũ cốc Hương Bột của tôi đã được nhiều người tiêu dùng tin tưởng. Năm 2019, sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Mùa dịch Covid-19 năm nay đã khiến tôi gặp nhiều khó khăn. Huyện tôi đang thực hiện Chỉ thị 16 nên việc vận chuyển hàng hóa rất chậm. Bình thường, tôi gửi hàng đi 1-2 ngày là tới, nay mất cả tuần. Đặc biệt, kể từ lúc TPHCM phong tỏa tới giờ, hàng gửi đi trả về rất nhiều, với nhiều lý do như: Người thì cách ly, người ở khu vực bị phong tỏa, người thì đã mất. Gửi hàng ra Đà Nẵng thông thường phí gửi chỉ tốn 20-25 nghìn đồng/khách. Mùa dịch, các kênh giao hàng không nhận, tôi gửi xe phải tốn 100 nghìn đồng/khách. Chi phí vận chuyển rất đắt đỏ. Còn bán hàng tại địa phương cũng chậm vì ở đây mọi người có thể tự trồng và tự làm bột ngũ cốc để uống.
Một khó khăn nữa là việc nhập nguyên liệu sản xuất. Tôi liên kết với một số hộ nông dân để bao tiêu sản phẩm đậu đen, mè cho họ. Mùa dịch này, tôi bán hàng không được nhưng nguyên liệu đã ký cam kết thì phải nhập về. Hàng đã nhập về thì tôi rất lo. Nếu dịch còn kéo dài, các nguyên liệu sẽ bị hư hỏng. Nếu mình không thu mua của họ thì tôi sẽ mất mối làm ăn về sau. Chưa kể, sau dịch, giá cả tăng lên, thị trường ổn định mà mình không có hàng để bán thì càng lo hơn.
Về doanh thu, trước mùa dịch, mỗi tuần tôi xay ngũ cốc 5 lần/tuần. Bây giờ giảm còn 2 lần/tuần. Chủ yếu tôi tự làm, còn 2 nhân viên phụ việc phải nghỉ. Doanh thu của tôi vì dịch mà giảm 60%-70%. Cơ sở của tôi nhỏ, địa phương của tôi cũng còn nghèo. Mùa dịch mọi người càng khó khăn hơn. Dẫu vậy, tôi vẫn chia sẻ với cộng đồng trong khả năng của mình. Đợt vừa qua, nhiều người dân từ TPHCM về quê đi cách ly tập trung. Tôi đã nấu 1.000 chai nước chanh, sả, gừng để gửi tặng cùng với một số "mạnh thường quân" khác. Họ có nhiều tiền thì hỗ trợ suất cơm, mình có ít thì hỗ trợ nước. Tôi mong muốn góp sức nhỏ để dịch bệnh mau chóng qua đi.
Về việc đề xuất chính sách hỗ trợ khởi nghiệp nông thôn, tôi mong muốn địa phương mình sử dụng sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP của người địa phương để làm quà tặng trong các dịp lễ, Tết, đối ngoại. Như vậy, vừa giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm khởi nghiệp vừa hỗ trợ cho các cơ sở khởi nghiệp có thêm một đầu ra cho sản phẩm. Nhất là trong mùa dịch, việc cải thiện doanh thu là điều rất đáng quý.
Thứ 2, trong mùa dịch, các hoạt động về hội chợ, xúc tiến thương mại đều phải dừng lại. Tôi mong chính quyền địa phương, Hội LHPN tổ chức những cuộc thi khởi nghiệp online như viết bài giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp, cuộc thi ảnh sản phẩm khởi nghiệp để các bạn giao lưu, tìm kiếm cơ hội bán hàng về sau. Hoặc Hội LHPN địa phương tổ chức "Hội chợ khởi nghiệp online" giúp chị em khởi nghiệp bán hàng trong nội bộ địa phương tốt hơn. Những hoạt động đó còn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo một sân chơi ý nghĩa trong mùa dịch cho mọi người.
Tinh thần "Quốc gia khởi nghiệp" đã tạo động lực và lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp phụ nữ, thời gian qua có rất nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề, đe dọa đẩy lùi những thành quả đạt được.
Từ trải nghiệm của bản thân, hãy chia sẻ những vấn đề đặt ra, đề xuất các giải pháp để phụ nữ khởi nghiệp thành công, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, trong diễn đàn "Tiếng nói phụ nữ" tháng 9/2021.
Mọi ý kiến xin gửi về toà soạn Báo Phụ nữ Việt Nam, 47 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hoặc qua e-mail: diendanbaopn@gmail.com.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn