Mong đôi chân không teo thêm nữa!

11:47 | 08/08/2015;
Sau hơn 1 tháng kiên trì gõ cửa khắp các bệnh viện để “tìm” bệnh cho con, chị Tằng Ửng Múi (Đồng Nai) chết lặng khi nghe bác sĩ thông báo con gái chị bị bệnh bàng quang thần kinh. Điều này đồng nghĩa với việc con bé sẽ không thể đi tiểu bình thường như nh

Đường từ Định Quán (Đồng Nai) lên TPHCM chưa đến 50km nhưng đối với người phụ nữ dân tộc Dao 41 tuổi này, thành phố là một địa danh mơ hồ mà chưa bao giờ chị có cơ hội được đặt chân đến. Kể từ khi con gái nhập viện để điều trị bệnh “đau mỏi đầu gối, nhức lưng”, chị Múi bị ép vào tình thế “phải lên thành phố” thường xuyên hơn. Dẫu vậy, chị dằn lòng hạn chế tối đa việc đi lại để tiết kiệm tiền.

Mở chiếc túi lỉnh kỉnh những trái cây, quần áo, sách tập vẽ và vài ba cuốn sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 9, chị Múi lơ lớ tiếng Kinh: “Đây toàn là đồ ở nhà gửi cho bé Đông Thu đấy. Năm nay Thu lên lớp 9 rồi nhưng từ khi vào viện phải xin nghỉ học. Bạn nó gửi cho mấy cuốn sách để Thu vừa nằm viện vừa học, sau này về còn đi học lại được”.

Chị Múi đang xoa bóp chân cho bé Thu (Ảnh chụp 27/9/2013)

Chị Múi không ngần ngại kể về gia đình mình. Khi nghe chúng tôi hỏi về đứa con gái đang mải mê ngồi vẽ trên giường bệnh, chị Múi bỗng ngập ngừng: “Từ nhỏ tới lớn, nó khỏe lắm. Nhà tôi đứa nào cũng khỏe, lâu lâu mới phải mua thuốc trị nhức đầu, xổ mũi. Hồi cuối tháng 8, nó đạp xe đi học về kêu nhức mỏi hai đầu gối. Chả ai quan tâm vì nghĩ chắc nó đạp xe nhiều. Đêm đến, nó kêu nhức lưng rồi la khóc. Tôi dẫn nó tới bác sĩ mua thuốc giảm đau, đỡ được một ngày thì lại nghe nó kêu đau dữ lắm, chân không đứng được nữa. Người ta khuyên vợ chồng tôi đưa nó đến Bệnh viện Tân Phú. Từ bệnh viện đó, họ nói tôi chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Biên Hòa, rồi họ bảo bệnh nặng quá phải chuyển ra Sài Gòn. Bác sĩ nói phải mổ vì u tủy nhưng sau đó nó lại bị bàng quang thần kinh, nghe đâu phải đặt ống thông tiểu suốt đời”.

Vợ chồng chị Múi quyết định chỉ có chị và người chị chồng thay nhau lên bệnh viện chăm sóc bé Thu. Chồng chị ở lại lo chuyện nhà cửa, nương rẫy và “xoay” tiền gửi lên thành phố. Dù không biết chữ nhưng khi nghe chúng tôi hỏi về số tiền viện phí từ khi biết bệnh của con, chị Múi lẩm nhẩm: “Bán chiếc xe máy duy nhất được 10 triệu đồng. Chị bán đậu hũ gần nhà cho mượn 1 triệu đồng, hàng xóm, bà con mỗi người góp cho mượn một ít, nếu tính tiền nhập viện từ dưới quê, tiền xe cộ, ăn uống, phẫu thuật, thuốc men... chắc cũng khoảng 20 triệu đồng, đi toi 1 năm làm rẫy của cả nhà rồi”.

 

“Giờ chỉ trông vào may mắn

Trên giường bệnh của khoa Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, chị Múi nhấc đôi chân bé Thu đặt lên đùi mình rồi nhẹ nhàng xoa bóp. Theo lời kể của chị, từ sau khi phẫu thuật lấy bỏ khối u trong tủy, 2 chân của Thu có dấu hiệu ngày càng teo lại, không thể tự đi một mình. Bác sĩ nói có thể bé sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời, việc đặt ống thông tiểu để bé đi vệ sinh sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, để đơn giản mọi việc, Thu cần tiến hành thêm một cuộc phẫu thuật tạo 1 đường từ bàng quang đến bụng. Nhưng với hoàn cảnh của gia đình mình, chị Múi cùng chồng quyết định xin được… không phẫu thuật cho Thu.

Lấy bịch nylon chứa chôm chôm mà hàng xóm gửi cho hai mẹ con mang vào viện ăn, chị Múi lột lớp vỏ bên ngoài, đưa cho con gái đang ngồi bên cạnh rồi lại miệt mài nắn bóp đôi chân mỗi ngày như nhỏ lại của Thu. “Nghe nói tâm lý vui sẽ nhanh khỏi bệnh nên bé Thu cũng hy vọng. Bác sĩ bảo may là nhập viện kịp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thận, dẫn đến suy thận. Đáng lo nhất là giá mỗi chiếc ống thông tiểu khoảng trên 10.000 đồng/cái, dù có thể vệ sinh sạch và tái sử dụng nhiều lần nhưng cũng tốn tiền lắm. Được tới đâu hay tới đó vậy, giờ chỉ trông vào may mắn đến với đôi chân, biết đâu nay mai, luyện tập tốt, Thu lại đi được bình thường”, chị Múi hy vọng.

Nghe mẹ nói chuyện, Thu đang ngồi trên giường bỗng ra hiệu để mẹ đỡ chân rồi cô bé nhoài người xuống nền nhà, hóm hỉnh khoe: “Mấy hình này là em vẽ đó. Mấy ngày đầu không có bút, giấy để vẽ nên rất chán. Lúc mẹ về quê, mấy bạn gửi lên cho em cuốn tập mới, bút chì thì em đi xin những mẩu nhỏ tặng kèm trong các hộp sữa ráp vào. Mấy năm học em đều được học sinh giỏi nhưng em chỉ thích vẽ, sau này em sẽ làm nghề liên quan đến vẽ. Bác sĩ nói em sẽ phải đặt ống thông tiểu suốt đời nếu muốn đi vệ sinh, chân của em có thể cũng sẽ bị liệt, nhưng em sẽ cố gắng tập luyện để chân không bị teo. Rồi có ngày em lại đạp xe đi học được thôi”.

 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, khoa Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM)

Nguyên nhân dẫn đến bàng quang thần kinh một phần là do bẩm sinh, phần khác là do những di chứng sau những cuộc phẫu thuật giải quyết dị tật bẩm sinh như: Thoát vị màng tủy, thoát vị màng não thì hệ thần kinh điều chỉnh hệ thần kinh tự động của bàng quang bị tổn thương, khiến bàng quang không còn chức năng chứa đựng và tống xuất như thông thường mà bị tê liệt, không co bóp được. Điều này dẫn đến hiện tượng trẻ đi tiểu không tự chủ. Nếu tình trạng đó không được can thiệp, hỗ trợ về mặt y học sẽ gây ứ đọng nước tiểu, nhiễm trùng, thận bị tàn phá nặng nề dẫn đến suy thận mãn.

Biện pháp điều trị bàng quang thần kinh là đặt ống thông tiểu giãn đoạn nhiều lần trong ngày, để giúp bàng quang giải áp lượng nước tiểu không thể tống xuất ra ngoài theo cách bình thường.

 

 

 

Hiện tại, gia đình chị Múi đang gặp rất nhiều khó khăn. Để bé Thu có thể tiếp tục làm phẫu thuật, gia đình rất mong nhận được sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Tằng Ửng Múi, tổ 5, ấp 3, xã Thanh Sơn, Định Quán, Đồng Nai hoặc gửi về Báo PNVN-TGPN, số 38 Võ Văn Tần, Q.3, TPHCM, ĐT: 08.39303034. Chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay gia đình chị Múi.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn