Tại khoa Ngoại niệu - Ghép thận, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), chị Lê Thị Bích Phượng, 43 tuổi, quê huyện Đức Huệ (Long An) cố động viên để cậu con trai uống hết hộp sữa. Khi hộp sữa chưa vơi được một nủa, Vỹ đẩy tay mẹ ra, nhăn mặt rồi ra hiệu không uống nữa. Biết con trai đang phải chịu những cơn đau từ vết mổ, chị Phượng chiều con nhưng vẫn “cảnh báo”: “Con mà không chịu khó ăn uống thì còn lâu mới được xuất viện!”.
Vỹ là con đầu lòng và duy nhất của vợ chồng chị Phượng. Chị xuất thân từ nghề làm nông nghiệp, còn chồng làm công việc hành chính tại xã. Do điều kiện tại huyện Đức Huệ khá khó khăn, lại thường xuyên chịu cảnh ngập lụt nên sau khi con trai được 6 tuổi, chị Phượng bàn với chồng, cả gia đình chuyển sang huyện Đức Hòa sinh sống. “Quan trọng nhất là điều kiện học cho Vỹ tại nơi chúng tôi chuyển đến rất tốt, tui làm công nhân tại một công ty chuyên về sơn mài gỗ, chồng tui làm quản lý cho một công ty dệt của người bạn. Nếu chịu khó tăng ca, mỗi tháng 2 vợ chồng cũng kiếm được khoảng hơn 10 triệu đồng, đủ để trang trải mọi chi tiêu trong gia đình”, chị Phượng kể.
Từ khi cả gia đình chuyển tới nơi ở mới, Vỹ rất ít khi bị bệnh nhưng bắt đầu từ năm lớp 11, những triệu chứng bất thường như đau lưng, chán ăn, giảm cân… xảy đến với con trai. Linh cảm của người mẹ mách bảo chị Phượng rằng có điều gì đó không ổn. Dù vậy, trong suy nghĩ của mình, chưa bao giờ chị Phượng nghĩ con trai có thể mắc căn bệnh hiểm nghèo là ung thư thận.
Chị Phượng chăm sóc con trai sau ca phẫu thuật bệnh ung thư thận (Ảnh chụp 13/8/2014)
Chị Phượng kể: “Thấy con có biểu hiện bất thường từ đầu năm lớp 11 nhưng tui nghĩ có thể cháu hoạt động nhiều nên vậy. Cách đây khoảng 2 tháng, cháu cứ kêu nhức lưng, mệt mỏi, chán ăn và đặc biệt là tui thấy mặt cháu xanh lắm. Tới khi đưa cháu đi bệnh viện khám, sau nhiều xét nghiệm, bác sĩ kết luận cháu bị u tuyến thượng thận, cần nhập viện phẫu thuật gấp. Lúc đó tui rất hoảng hốt vì nghĩ cái gì liên quan tới u là rất nặng. Bác sĩ bảo may là phát hiện sớm, điều trị sẽ hết nhưng bây giờ khi nhớ lại, tui vẫn còn sợ lắm!”.
Nghe mẹ kể về những triệu chứng bệnh của mình, Vỹ nói xen vào: “Chỉ trong 1 tháng, em sút tới 3kg. Bình thường em thích chơi đá banh với các bạn ở lớp, nhưng thời gian gần đây em không chạy được vì rất mệt, thậm chí nhiều khi ngồi chơi em cũng cảm thấy khó thở. Gần 4 tuần nằm viện, em thấy lâu ghê, 2 chân rất mỏi. Em chỉ mong nhanh được xuất viện, em lại đến trường gặp bạn bè, chơi đá banh như mọi lần”.
“Gia đình sắp được đoàn tụ rồi!”
Sau khi có kết luận con trai bị ung thư thận, chị Phượng vội vã làm các thủ tục để cho con nhập viện với tâm trạng lo sợ, ngày nào chị cũng khóc, mặc cho bác sĩ phân tích và trấn an. Để có thời gian ở bên con, chị Phượng quyết định viết đơn xin nghỉ làm 1 tháng, bởi “không có gì quan trọng hơn con. Nếu cần thiết, tui cũng không ngần ngại nghỉ việc luôn để được ở bên con”.
Người mẹ trẻ vốn chỉ quen với công việc nặng nhọc tại công ty và nội trợ sau giờ làm, bỗng trở nên thành thạo tất cả những việc của một y tá chuyên nghiệp. “Do vợ chồng tui nhập viện trái tuyến cho cháu nên bảo hiểm chỉ trả 30%, vì vậy hai vợ chồng phải gom hết tiền tiết kiệm, đóng tạm ứng 20 triệu từ khi nhập viện tới giờ. Những điều dưỡng chỉ cho tui rất nhiều thứ để tui có thể chủ động chăm sóc con, tui biết cách kiểm tra tốc độ chảy của ống truyền dịch như thế nào là ổn định, rồi thay ống dẫn lưu ở bụng như thế nào để hạn chế đau cho con. Tui không dám rời con nửa bước, nên mọi thay đổi trên người cháu, tui quan sát và nhận thấy rất rõ. Thấy con đau ở vết mổ, tui massage, kể chuyện để cháu quên đi rồi chìm vào giấc ngủ. Thật may vì tất cả chỉ như một cơn ác mộng, vài bữa nữa Vỹ được xuất viện, gia đình lại đoàn tụ rồi!”, chị Phượng không giấu nổi xúc động.
Trong bộ đồ bệnh viện, Vỹ đặt bàn tay đang gắn dây truyền dịch lên ngực, tay còn lại cầm cuốn sách Văn học lớp 12, kẹp giữa các ngón tay và lật từng trang. Thỉnh thoảng, đôi lông mày Vỹ nhíu lại như đang nghiền ngẫm một điều gì đó trong những trang sách em đọc. Vỹ bảo, ngay từ khi học cấp II, em đã mong muốn thi vào trường Cảnh sát, nhưng sau gần 1 tháng nằm viện lại muốn thi trường Y, chuyên ngành điều dưỡng. “Em thấy các anh chị điều dưỡng ở đây rất nhiệt tình, nhẹ nhàng, có thể giúp em giảm bớt cơn đau. Em cũng muốn sau này mình có thể giúp đỡ nhiều bệnh nhân. Vì vậy, sau khi được xuất viện, em sẽ cố gắng học để chuẩn bị cho kỳ thi ĐH năm tới”, Vỹ chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Trương Hoàng Minh (Trưởng khoa Ngoại niệu - Ghép Thận, Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM) |
Ung thư thận đứng thứ 13 trong số các loại ung thư nói chung và đứng thứ 3 trong ung thư tiết niệu, tỉ lệ nam thường bị nhiều hơn nữ. Hiện chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến ung thư thận nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ như: Hút thuốc lá; béo phì; tăng huyết áp; hội chứng ung thư gia đình và một số yếu tố khác: Đái tháo đường, suy thận mãn, tiếp xúc với hóa chất như dầu hỏa, thuốc nhuộm… Triệu chứng của ung thư thận: Tam chứng cổ điển là đái máu (triệu chứng rất hay gặp, chiếm 80%), đau vùng thắt lưng và có khối u vùng thắt lưng; chảy máu sau phúc mạc khi u vỡ; các hội chứng cận ung như sốt, đa hồng cầu kèm đau đầu mệt mỏi, tăng huyết áp. Điều trị ung thư thận tuỳ thuộc vào từng giai đoạn. Nếu khối u còn khu trú thì tiến hành phẫu thuật cắt thận rộng triệt để, sử dụng phương pháp ít xâm hại như dùng nhiệt. Khi khối u đã di căn thì phẫu thuật có vai trò hạn chế, xạ trị ít tác dụng và chỉ có tác dụng với các di căn ở não, xương, phổi. Hóa chất đáp ứng kém, dùng miễn dịch và các thuốc điều trị trúng đích… Vì vậy, cách tốt nhất là phát hiện sớm để điều trị triệt để, đặc biệt là khi có những triệu chứng tiểu ra máu thì phải đến cơ sở chuyên khoa tiết niệu để khám và kiểm tra. |