Một số dấu hiệu ở móng tay có thể cảnh báo các vấn đề sức khoẻ của bạn. Trong đó, móng tay có chấm lỗ là tình trạng nhiều người gặp phải. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà hướng điều trị có thể khác nhau.
Móng tay có chấm lỗ có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khoẻ như:
- Rối loạn mô liên kết, chẳng hạn như hội chứng Reiter (một dạng viêm khớp phản ứng) và viêm xương khớp.
- Các bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như rụng tóc từng vùng, sarcoidosis và pemphigus Vulgaris.
- Mất kiểm soát sắc tố, một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến tóc, da, móng, răng và hệ thần kinh trung ương.
- Viêm da dị ứng và tiếp xúc.
- Vẩy nến, viêm khớp vẩy nến.
Trong các nguyên nhân gây ra tình trạng móng tay có chấm lỗ, điều đáng chú ý là có rỗ móng phổ biến hơn ở những người bị vẩy nến, viêm khớp vẩy nến và phổ biến hơn ở những người trên 40 tuổi.
Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng có thể có mối liên hệ giữa vết rỗ móng tay và mức độ nghiêm trọng của bệnh vẩy nến nói chung. Trong một nghiên cứu năm 2013, 34,2% những người mắc bệnh vẩy nến nhẹ cũng bị rỗ móng tay. Ở những người mắc bệnh vẩy nến nặng, kéo dài hơn, tỷ lệ rỗ móng tay được tìm thấy là 47,6%.
Những người bị viêm khớp vảy nến thường nhận thấy các triệu chứng như đau khớp, cứng khớp và sưng tấy, da sần sùi và tróc vảy, rỗ móng hoặc nứt móng.
Những người bị rỗ móng sẽ nhận thấy những vết rỗ nhỏ phát triển trên bề mặt móng ở ngón tay hoặc ngón chân. Móng tay thường bị ảnh hưởng nhiều hơn móng chân.
Các lỗ chấm có thể xuất hiện một hoặc nhiều lỗ chấm, thậm chí có thể trông giống như móng tay của bạn đã bị một chiếc cuốc đá đập vào.
Nếu vết rỗ móng tay của bạn có liên quan đến bệnh vẩy nến móng tay thì bạn cũng có thể nhận thấy một số dấu hiệu khác trên móng tay:
- Móng tay thay đổi hình dạng
- Móng tay dày lên
- Thay đổi màu móng tay
- Những người mắc bệnh vẩy nến móng tay cũng có thể gặp tình trạng móng tay bị tách khỏi giường móng.
Phương pháp điều trị sẽ tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, rỗ móng tay khá khó điều trị. Điều trị tình trạng móng tay có chấm lỗ thường là một quá trình lâu dài và không phải lúc nào cũng mang lại kết quả tốt nhất.
Các phương pháp điều trị có thể áp dụng cho móng bao gồm steroid, axit salicylic, calcipotriol và tazarotene, mặc dù những phương pháp đem lại hiệu quả không cao. Điều quan trọng là móng tay mọc chậm và phương pháp điều trị này chỉ xử lý móng mới mọc chứ không phải móng hiện có.
Các chuyên gia về da cũng có thể đề xuất một số phương pháp như:
- Điều trị bằng thuốc kháng nấm: Điều này có thể cần thiết nếu cũng bị nhiễm nấm.
- Tiêm steroid vào móng: Phương pháp điều trị này có thể gây đau.
- Tháo móng: Có thể loại bỏ móng bằng cách sử dụng thuốc mỡ có tác dụng trong 7 ngày hoặc phẫu thuật gây tê cục bộ.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, chẳng hạn như khi một người không thể sử dụng tay hoặc đi lại bình thường nếu ngón chân bị rỗ, các loại thuốc mạnh hơn có thể được sử dụng để ngăn chặn tình trạng viêm. Những điều này sẽ chỉ được bác sĩ kê toa.
Nhìn chung, để có phương pháp điều trị phù hợp, điều cần thiết là bạn cần thăm khám để tìm chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị theo phác đồ từ bác sĩ.
Móng tay có chấm lỗ là một trong những dấu hiệu liên quan đến bệnh tật, trong đó có cả các bệnh lý không rõ nguyên nhân như vẩy nến. Do đó, bạn không thể phòng ngừa hoàn toàn được tình trạng này, nhưng bạn có thể giảm nguy cơ mắc các triệu chứng trầm trọng hơn và giúp móng tay khỏe mạnh bằng cách:
- Giữ độ ẩm cho móng và vùng da gần móng tay
- Ăn uống lành mạnh
- Bổ sung vitamin B và kẽm
Ngoài ra còn có một số điều bạn có thể làm để giảm thiểu các tác nhân gây bệnh:
- Cắt móng tay càng ngắn càng tốt. Nếu móng tay của bạn bị lỏng, chúng có thể bị bong ra hoặc bị tổn thương nặng hơn.
- Đeo găng tay nếu bạn phải tiếp xúc với xà phòng, dầu rửa bát... nhưng không nên đeo găng tay bằng cao su.
- Không nên làm đẹp móng tay như dũa, sơn móng... Chúng có thể gây chấn thương cho móng tay của bạn và gây ra nhiều vết rỗ hơn.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc kem dưỡng cho bàn tay, bàn chân và các nếp gấp của móng tay để giữ cho làn da của bạn được ẩm và được bảo vệ.
- Làm thế nào để chẩn đoán tình trạng móng tay có chấm lỗ?
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng móng tay có chấm lỗ, bạn nên đi khám tại bệnh viện. Bác sĩ có thể xem xét bệnh sử của người bệnh, đặc biệt nếu họ mắc bệnh vẩy nến hoặc các tình trạng khác liên quan đến rỗ móng tay. Bác sĩ cũng có thể sinh thiết để xem có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của tế bào hay không.
- Chấm lỗ móng tay có lây nhiễm không?
Nếu nguyên nhân gây ra các chấm lỗ trên móng tay do vảy nến hoặc các bệnh lý không do vi khuẩn, virus gây bệnh thì sẽ không lây nhiễm sang người khác. Tuy nhiên, nếu móng tay bị chấm lỗ do nấm thì có thể lây bệnh nếu như sử dụng chung đồ dùng cá nhân, nhất là bấm móng tay, dũa...
Trên đây là những thông tin liên quan đến tình trạng móng tay có chấm lỗ. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán cũng như có những biện pháp điều trị phù hợp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn