Morita Akio và hành trình ghi dấu ấn 'Made in Japan'

17:00 | 23/09/2015;
Trên đống hoang tàn đổ nát của nước Nhật sau Thế chiến II, chàng thanh niên Akio Morita đã khiến cho thế giới phải ghi nhận sự trở lại của nước Nhật trong một vị thế mới.
Morita Akio (26/1/1921- 3/10/1999) là người sáng lập tập đoàn Sony cùng với người đồng sáng lập Masaru Ibuka, từ một cửa hàng sửa chữa nhỏ ở Tokyo thành một trong những tập đoàn công nghiệp điện tử lớn nhất Nhật Bản, trở thành một trong những doanh nhân vĩ đại nhất của thời kỳ hồi phục kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh, là doanh nhân hàng đầu làm nên sự đảm bảo chất lượng từ thương hiệu “Made in Japan”, là cầu nối kinh tế Nhật Bản với Mỹ và các nước phát triển trên thế giới.
Xây dng thương hiu
“Thương hiu là s sng ca doanh nghip và nó cn được bo v nghiêm ngt”
Sau chiến tranh, kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng nặng nề. Người ta biết đến nước Nhật chỉ như là nước chuyên sản xuất ô giấy, áo kimono, đồ chơi trẻ em và đồ nữ trang rẻ tiền. Những ngày đầu khi xuất khẩu sản phẩm, Sony không dám in to dòng chữ “Made in Japan”. Tôi lo rằng nhấn vào chi tiết này, khách hàng sẽ bỏ qua khi chúng tôi chưa có dịp chứng minh với họ về chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cố gắng in dòng chữ “Made in Japan” thật nhỏ, đến nỗi Hải quan Mỹ buộc chúng tôi phải in to dòng chữ này trên sản phẩm.
Rồi những sản phẩm của Sony được xuất khẩu nhiều hơn tới khắp nơi trên thế giới. Quảng cáo và xúc tiến thương mại sẽ không thể duy trì một sản phẩm kém chất lượng và không phù hợp với thời gian. Chúng tôi không bao giờ muốn sản xuất những sản phẩm kém chất lượng để kiếm tiền. Khi công ty Sony bắt đầu phân phối những sản phẩm của mình tại Mỹ, nhiều công ty Mỹ yêu cầu chúng tôi sản xuất những sản phẩm rẻ tiền hơn để họ có thể bán với số lượng lớn và được chiết khấu nhiều hơn. Sony không đồng ý, ngay cả khi để rút khỏi hợp đồng phân phối, chúng tôi đã phải trả một khoản tiền lớn, nhưng chúng tôi chấp nhận dù phải trả bao nhiêu đi chăng nữa. Một trường hợp khác, Sony từng từ chối đơn đặt hàng hấp dẫn với 100.000 chiếc radio nhỏ chỉ vì đối tác của chúng tôi- công ty Bulova yêu cầu dán nhãn hiệu Bulova trên sản phẩm. Bulova là thương hiệu nổi tiếng với truyền thông Mỹ trong suốt hơn 50 năm qua, trong khi ở Mỹ khi đó, Sony chỉ được ít người biết đến, nhưng chúng tôi từ chối bởi thương hiệu là sự sống của doanh nghiệp và nó cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Morita Akio trên bìa tạp chí Time

Chìa khóa đ m rng th trường
“Chúng tôi biết ch có mt chìa khóa đ vượt qua th trường M và nhng th trường khác trên thế gii, đó phi là mt cái gì đó khác, mt cái gì đó chưa ai làm”
Sony là công ty Nhật Bản đầu tiên niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán NewYork, mở đường cho các công ty Nhật mở rộng ra thị trường nước ngoài. Chúng tôi luôn cố gắng chế tạo một cái gì đó khác, một sản phẩm chưa ai từng làm. Cho nên, thời gian đầu, Sony được xem như “cơ sở thí nghiệm” của ngành điện tử. Sony tung ra các sản phẩm mới lần đầu xuất hiện như radio bỏ túi, tivi bán dẫn, máy nghe nhạc cầm tay Walkman, tivi cầm tay màn hình phẳng Watchman, máy quay đĩa Discman… Những hãng lớn khi đó thường nằm chờ theo dõi sản phẩm của Sony có bán chạy và được ưa chuộng hay không, sau đó họ cải tiến và tung ra sản phẩm tương tự. Là một công ty tiên phong rất khó khăn bởi Sony có thể độc chiếm thị trường thời gian đầu, thu được nhiều lợi nhuận trong 1-5 năm đầu nhưng sau đó, các công ty cạnh tranh sẽ nhảy vào. Đến nay, một sản phẩm mới ra đời chỉ có thời gian tối đa là 3 tháng để nắm độc quyền. Nhưng đi đầu trong việc đưa ra những sản phẩm mới luôn luôn có ý nghĩa bởi vì một doanh nhân hay một công ty muốn trở nên hùng mạnh không chỉ nhằm vào mục tiêu lợi nhuận mà còn phải biết đặt ra sứ mạng cho mình về những gì họ mong muốn mang lại cho cộng đồng, đó phải là một cái gì đó mới, một cái gì đó mà không ai khác đã làm, một cái gì đó phục vụ lợi ích cho nhiều người nhất.
Ngh thut qun lý
“Chúng tôi c gng to điu kin đ mi người làm vic cùng nhau trên tinh thn tp th và mi sn phm công ngh được làm ra phi xut phát t mong mun trong trái tim ca mi người”
Dù bạn giỏi giang hay thành công đến nhường nào, dù bạn thông minh hay láu cá đến đâu thì công việc kinh doanh của bạn cũng như tương lai của hoạt động kinh doanh ấy vẫn luôn nằm trong tay những người bạn đã tuyển dụng. Đó là lý do hàng năm, tôi luôn tự mình trò chuyện với nhân viên hay các sinh viên mới ra trường. Ý tưởng về nhân viên làm việc suốt đời cho một công ty rất phổ biến ở Nhật. Ở Nhật, con người làm việc không chỉ vì tiền bạc và tiền không phải là phương tiện hữu hiệu nhất khi bạn muốn khuyến khích hay thúc đẩy người khác làm việc. Để động viên ai đó, bạn cần tạo cảm giác đưa họ vào không khí gia đình và cư xử với họ như những thành viên đáng được tôn trọng trong gia đình đó. Khi lãnh đạo một công ty tuyển dụng, họ phải coi đó là tìm đồng nghiệp, người giúp mình chứ không phải là công cụ để tìm kiếm lợi nhuận. Cần tôn trọng ý nghĩ rằng công ty là tài sản của mọi thành viên chứ không phải của một số ít nhà lãnh đạo. Khi nhân viên mắc sai lầm, điều quan trọng không phải là sa thải mà phải tìm ra nguyên nhân của sai lầm đó. Như tôi vẫn thường nói với nhân viên: Hãy mạnh dạn làm những gì mà mình cho là đúng. Nếu mắc sai lầm, ta có thể rút kinh nghiệm cho lần sau. Nhưng đừng mắc sai lầm đó 2 lần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn