Tại Chương trình Đối thoại về thực hiện chính sách pháp luật BHYT với các cơ sở y tế tư nhân” sáng nay 28/6, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết: Qua theo dõi trên hệ thống cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, có những bác sỹ làm việc rất vất vả với thời gian kéo dài từ 10h50 sáng đến 16h25 phút chiều để khám 102 bệnh nhân/ngày. Nếu theo số liệu này thì thời gian giữa các lần khám được tính bằng giây, có những bệnh nhân được khám và kê đơn chỉ trong 1 phút. "Ở đây, chất lượng khám chữa bệnh, chỉ trong 1 phút có thể khám ra nhiều loại bệnh, kê nhiều loại thuốc là “có vấn đề”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tuy nhiên nó lại thành “động lực” để bác sỹ tăng số lượng người được khám, giảm thời gian khám chữa bệnh, thì “vấn đề chất lượng khám chữa bệnh sẽ cần phải nghiên cứu thêm”.
Lấy ví dụ một cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, qua thực tế đối chiếu những số liệu thống kê về khám và kê đơn chữa bệnh huyết áp hoặc tiểu đường của một cơ sở y tế ngoài công lập so sánh với kê đơn thuốc của bác sỹ đầu ngành thống nhất áp dụng với các bệnh viện Trung ương trong chữa bệnh này, thì thấy bác sỹ tư nhân có những “chỉ định nhiều hơn mức cần thiết”.
Thậm chí, một bệnh nhân đi khám được chỉ định hàng loạt như về phục hồi chức năng; vừa xoa bóp bấm huyệt, vừa điều trị bằng hồng ngoại, vừa siêu âm liên tục hằng ngày. Qua theo dõi trên hệ thống dữ liệu giữa năm 2016 đến nay, ông Đức khẳng định: “Có những bệnh nhân đã xuất hiện hằng ngày liên tục đi khám hơn 300 ngày; ngày nào cũng điện châm; như vậy là “có vấn đề”.
Đại diện cơ sở y tế tư nhân, ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) thừa nhận bệnh viện tư nhân vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Tuy nhiên cũng mong muốn có cái nhìn khách quan hơn khi đánh giá tình trạng trục lợi BHYT. Vị này phản đối việc nhấn mạnh việc trục lợi BHYT xảy ra nhiều ở khối tư nhân, mà có cái nhìn công bằng giữa bệnh viện công lập và bệnh viện tư.
Theo Báo cáo của BHXHVN về tình hình khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở tư nhân, năm 2017 có 444 cơ sở khám chữa bệnh từ phòng khám trở lên thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Quý 1/2017, số lượt khám chữa bệnh là hơn 4,2 triệu lượt, chi phí khám chữa bệnh BHYT là 1.591 tỷ đồng. Biểu hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT là: Thu gom người bệnh, khuyến mại không thu phần chi phí cùng chi trả của người bệnh. Tình trạng chỉ định nhiều thuốc đắt tiền, nhiều dịch vụ kỹ thuật hơn mức cần thiết, thực hiện dịch vụ kỹ thuật vượt mức thời gian quy định với người có thẻ BHYT... |