Một đại học công treo thưởng 200 triệu đồng cho 1 bài báo quốc tế

15:09 | 01/11/2017;
Mới đây, trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố sẽ thưởng 200 triệu đồng cho một bài báo công bố quốc tế đạt ISI có IF>2. Cùng với đó là những chính sách được cho là tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Mức thưởng cao nhất trong lịch sử

Theo công bố của ĐH Kinh tế TP.HCM, mức thưởng cho một bài báo công bố quốc tế đạt ISI/Scopus Q1 có IF>2 là 200 triệu đồng; ISI/Scopus Q1 có IF> 1 là 150 triệu đồng; ISI/Scopus Q1 có IF< 1 là 100 triệu đồng; Scopus Q2 là 80 triệu đồng; Scopus Q3 là 60 triệu đồng; Scopus Q4 là 30 triệu đồng. Mức thưởng này được áp dụng đến hết năm 2020.

Trường ĐH Kinh tế TPHCM với chính sách mới dành cho các nhà nghiên cứu khoa học 

Ngoài ra, trường cũng hỗ trợ 10 triệu đồng/đề tài khi viết thuyết minh đấu thầu đề tài cấp Nhà nước, đề tài NAFOSTED; hoặc 35 triệu đồng/đề tài nếu đề tài không được chấp thuận và chuyển thành đề tài cấp trường.

Ông Phạm Hiệp, nhà nghiên cứu về giáo dục, hiện là nghiên cứu sinh tại ĐH Văn hoá Trung Hoa (Đài Loan, Trung Quốc) là một trong những người đặc biệt quan tâm đến chính sách khuyến khích hoạt động khoa học của trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Hiệp nhìn nhận, bài báo công bố quốc tế thể hiện chất lượng của nghiên cứu khoa học (NCKH). Việc khuyến khích công bố quốc tế trong thời kỳ hội nhập là tất yếu, được nhiều trường ĐH quan tâm trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây bởi tác động lớn đối với chính trường và giảng viên.

“Tất cả bảng xếp hạng quốc tế đều sử dụng bài báo công bố quốc tế là phần điểm quan trọng. Đây là một trong các tiêu chí lớn dể đánh giá chất lượng các trường ĐH” - ông nói.

Việc treo mức thưởng 200 triệu đồng cho bài báo đạt mức ISI/Scopus Q1 có IF>2 với 200 triệu đồng là một trong những mức thưởng cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, ông Phạm Hiệp cho rằng, mức thưởng này là xứng đáng bởi để có một bài báo đạt yêu cầu nói trên là một điều vô cùng khó với người làm khoa học.

“Với các ngành kinh tế, quản trị, mức yêu cầu này thậm chí là rất thử thách với nhà khoa học. Số lượng người Việt có những bài báo đạt mức IF>2 chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở nhiều trường, nếu có một trường nào đó công bố có một bài báo đạt tiêu chí này thì nó là sự kiện lớn trong năm. Với bài có chỉ số IF khoảng 1.1 mà tôi công bố năm ngoái, tôi và giáo sư đã  phải thực hiện trong gần 3 năm mới hoàn thành. Để làm được những công trình quốc tế tốt, nhà khoa học phải đánh đổi thời gian công sức, phải bỏ nhiều công việc khác để tập trung thực hiện”- ông Hiệp cho biết.

Tuy vậy, ông Phạm Hiệp cho rằng, điểm thú vị nhất của chính sách khuyến khích không phải là nằm ở số tiền "khủng" treo thưởng.

“Quả đấm” lớn cho các trường ĐH quan tâm NCKH

Cụ thể, điều mà nhà nhà nghiên cứu Phạm Hiệp quan tâm không phải là mức thưởng, mà là ở khoản 6 và 8 (đánh dấu đỏ trong hình):

Nhiều chính sách được cho là khuyến khích nhà khoa học phát triển

Theo ông, khoản 6 nhấn mạnh nội dung đơn giản hoá thủ tục hành chính - điều từ lâu luôn được coi là “thủ phạm” triệt tiêu sức chiến đấu của các nhà khoa học. Sức chiến đấu này, với những người có khả năng công bố bài cỡ Q1 thì hẳn nhiên là không hề rẻ, vài chục, trăm triệu chắc chắn chả “bõ bèn” gì.

Cái hay của chính sách này còn thể hiện ở chỗ, trường sẽ hỗ trợ 10 triệu/đề tài khi viết thuyết minh đấu thầu đề tài cấp Nhà nước, đề tài NAFOSTED; hoặc 35 triệu/đề tài nếu đề tài không được chấp thuận và chuyển thành đề tài cấp trường (khoản 8).

“Khi viết một đề cương, người làm khoa học không chỉ làm một mình mà còn có đồng nghiệp, các học trò hỗ trợ. Có ngay suất hỗ trợ 10 triệu tuy không phải là nhiều nhưng sẽ là một khoản chi hợp lý cho học trò làm cùng. Mức này rất khuyến khích cho nhà khoa học”- ông Hiệp nói.

Đặc biệt, với những hồ sơ đề tài khoa học cấp Nhà nước nếu “trượt”, lập tức sẽ được trường hỗ trợ ngay 35 triệu khi trở thành đề tài cấp trường. Nhà khoa học sẽ nhận tổng cộng 45 triệu đồng.

“Vấn đề không phải là số tiền mà là với chính sách này, trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã gửi gắm một thông điệp mạnh mẽ: “Chúng tôi đặt niềm tin vào ý tưởng khoa học của các thầy, cô; ngay cả khi bị các quỹ ngoài trường từ chối”. Vì thế so với con số 200 triệu đồng treo thưởng, mức 45 triệu tuy ít hơn nhưng có ý nghĩa hơn rất nhiều. Chúng ta nói rất nhiều về việc phải tin nhà khoa học thì đây là lần đầu tiên tôi thấy niềm tin ấy được thể hiện bằng hành động cụ thể”- ông Phạm Hiệp nhấn mạnh.

Cũng là người làm khoa học và tâm huyết với công tác NCKH, ông Phạm Hiệp tin rằng, chính sách này sẽ tạo động lực cho nhà khoa học để họ cố gắng hơn. Đồng thời, ông hi vọng đây sẽ là “quả đấm” lớn cho các trường ĐH quan tâm đến NCKH khi chưa có một chính sách nào trước đó cụ thể và ưu việt hơn chính sách này trong nhiều năm qua.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn