Ngày 9/4, bác sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương cho biết, BV đã và đang điều trị cho gia đình có 7 người bị ung thư. Trong đó, 5 người thường xuyên đến BV điều trị.
Theo đó, cuối năm 2017, bệnh nhân Phạm Duy V. (sinh năm 1968, quê ở Hải Dương) đến BV thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư trực tràng. Bệnh nhân cũng cho biết, gia đình có 7 người cùng mắc ung thư trực tràng. Tại BV, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ khối u kích thước 1x2cm và tiến hành truyền hóa chất.
Gia đình cho biết, trước đó, anh cả đã mất vì ung thư trực tràng. Tiếp đó là mẹ vợ anh V. Khi anh V. nhập viện vì căn bệnh này, mấy anh em còn lại động viên nhau cùng vào thăm khám vì khi hỏi nhau, đều có dấu hiệu kéo dài rất giống nhau là thường xuyên lâm râm đau bụng và đại tiện ra máu.
Kết quả cho thấy, 4 anh chị em khác cũng lần lượt phát hiện và phải nhập việc điều trị ung thư trực tràng, trong đó có vợ anh Đ.
Anh Đ. cho biết, trước đó vợ anh thường đau bụng và đại tiện ra máu. Tuy nhiên, gia đình nghĩ do ăn uống mất vệ sinh, cơ thể nóng quá nên vậy. Đến khi đi khám thì được xác định bị ung thư. Hiện vợ anh Đ. cũng đang điều trị căn bệnh này và trải qua 8 lần truyền hóa chất.
Theo bác sĩ Thuấn, BV đã gặp một số gia đình có nhiều người thân bị ung thư. Tuy nhiên, hầu hết chỉ dừng lại ở 3 - 4 người. Còn trường hợp 7 người bị ung thư trực tràng thì lần đầu gặp.
Bác sĩ Thuấn cho biết, tất cả những trường hợp trên là hội chứng đa polyp gia đình do đột biến gene APC, có thể truyền từ bố mẹ sang con. Đây là một loại gene có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến, nó chiếm 1% ung thư đại trực tràng.
Để phòng bệnh, mọi người cần phòng tránh các yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư đại trực tràng như: Người trên 50 tuổi, gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, những người béo phì lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu… cần có kế hoạch nội soi đại trực tràng tại các cơ sở y tế.